02/12/2010
Y KIẾN CỦA BỆNH NHÂN VỚI TRUNG TÂM
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 17:14 0 nhận xét
22/09/2010
Bị teo cơ sau tai nạn vì lười vận động
Cách đây không lâu chị Thúy bị ngã xe máy, rạn xương bàn chân và giãn dây chằng ở cổ chân trái. Lúc đó chị thấy dù sao vẫn còn may vì không bị gãy xương, chỉ là một tai nạn nhỏ nên không cần quá lo lắng. Chị cũng đi khám, bó chân, cố định bằng lá thuốc và băng chun.
Trong suốt hơn 2 tuần sau đó, lúc nào đi lại chị cũng rất khẽ khàng bằng cái chân lành, tránh va chạm với bên chân bị đau một phần vì sợ đau, một phần sợ xương bị rạn hơn nếu vận động mạnh. Thế nhưng đến ngày thứ 20, đến lúc bắt đầu có thể tập đi thì chị thấy rất khó khăn để đi lại bình thường, quan sát lại thấy chân đau nhỏ hơn so với chân lành.
Hốt hoảng đi khám, chị được biết mình bị teo cơ tạm thời. Đây là một điều bình thường vì sau một thời gian không vận động chân sẽ bị teo, chỉ cần tập đi lại thì tình trạng này sẽ cải thiện. Dù thế, đến nay đã hơn 4 tháng, chị vẫn đi kiểu chân thấp chân cao, chân bị đau vẫn nhỏ hơn chân còn lại.
"Bác sĩ nói tôi phải luyện tập phục hồi chức năng ít nhất 3 tháng nữa thì mới có thể đi lại được bình thường. Cứ nghĩ chỉ bị rạn xương thông thường thì vết thương sẽ chóng lành. Ai dè...", chị Thúy nói. Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Xuân Đạm, nguyên trưởng khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, những chấn thương như trẹo chân, bong gân, gãy hoặc rạn xương… là những tai nạn thường gặp. Tuy nhiên, vì đây chỉ là những chấn thương nhẹ nên giống như chị Thúy, nhiều người tỏ ra chủ quan mà không biết rằng mình có thể bị teo cơ.
Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo cơ. Tuy nhiên cần lưu ý, cơ bị nhỏ đi không có nghĩa là sợi cơ bị hủy, mà là số lượng sợi cơ không thay đổi nhưng chất lượng sợi cơ giảm, Phó giáo sư Đạm cho biết.
Cũng theo ông, khi bị bó bột, người bệnh thường sợ đau nên không dám vận động hoặc không nghĩ đến việc hồi phục chức năng, khiến cho tay (chân) nhỏ đi. Vì thế, việc phục hồi chức năng sau chấn thương rất khó khăn và mất thời gian.
"Việc cố định, bất động chỗ bị thương càng lâu thì nguy cơ bị teo cơ càng lớn. Trong khi thực tế, dù xương bị gãy đang bó bột thì sau khoảng một tuần đã nên vận động nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng", phó giáo sư Đạm nói.
Phó giáo sư Đạm cũng cho biết, chỉ sau 2 tuần không vận động, hiện tượng teo cơ đã bắt đầu diễn ra. Khi đã bị teo cơ thì người bệnh nên đi khám sớm. Nếu dây thần kinh cơ không bị ảnh hưởng thì người bệnh chỉ cần tập theo hướng dẫn của bác sĩ. Chẳng hạn với người bị teo cơ cẳng chân thì nên tập đi bằng đầu ngón chân và gót chân, kết hợp tập tạ chân cho máu lưu thông.
Các chuyên gia khuyến cáo, để không dẫn đến teo cơ, khi bị chấn thương người bệnh nên xoa bóp cho máu về cơ nhiều hoặc chườm nóng, ngâm nước nóng ấm để mạch máu trong cơ giãn, giúp cơ mềm ra. Khi cơ mềm thì sẽ vận động được dễ dàng hơn. Cách tốt nhất để phòng teo cơ vẫn là bắt cơ vận động và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Những trường hợp bị bong gân, giãn dây chằng, gãy xương... nên vận động sớm khi có thể. Khi bị chấn thương cần cố định, bệnh nhân vẫn có thể co cơ tĩnh bằng cách lên gân một ngày nhiều lần. Khi có điều kiện thì co cơ sớm bằng vận động và tăng dần vận động lên.
Người bệnh cần phải kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, như thế mới hạn chế teo cơ, khôi phục khả năng vận động sớm. Ngoài ra, việc vận động chỗ bị thương còn tránh nguy cơ bị loét, tắc mạch chi... do tỳ đè lâu ngày. Tuy nhiên, việc vận động như thế nào, khi nào bắt đầu vận động nhất thiết phải có sự hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng.
Hải Phong (vnexpress.net)
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 09:16 0 nhận xét
21/09/2010
Lắm trẻ tàn phế vì tiêm sai
Khoảng 16.000 trẻ em VN đã bị teo hóa cơ delta do tiêm một lượng lớn kháng sinh vào các cơ đang phát triển, dẫn đến hậu quả trẻ em bị suy nhược, chậm phát triển. Đây là kết luận trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, ĐH Y Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về nguyên nhân gây xơ hóa cơ delta đối với trẻ em. Các chuyên gia thực hiện đề tài đã điều tra tại 8 tỉnh, với gần 30.000 trẻ khám và điều trị tại các BV.
Tiêm kháng sinh gây nguy cơ cao nhất
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương, khi xem lại hồ sơ của 743 trẻ bị xơ hóa cơ delta đã phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng biến dạng ở độ tuổi từ 0-5 là do tiêm kháng sinh peniciline nhiều lần vào cơ delta ở tay. Kháng sinh sử dụng nhiều nhất là cloramphenicol, ampiciline, peniciline.
Kết quả nghiên cứu tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy nhóm trẻ dưới 6 tuổi khi tiêm thuốc vào cơ delta có nguy cơ bị xơ hóa cơ delta cao gấp 4 lần những trẻ hông tiêm trong thời kỳ này. Tất cả thuốc tiêm trực tiếp vào cơ này đều có nguy cơ gây xơ hóa nhưng kháng sinh là thuốc có nguy cơ cao nhất.
Tiêm truyền dịch là kỹ thuật điều trị đơn giản nhưng các văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm an toàn tiêm truyền hiện chưa đầy đủ. Giáo trình Điều dưỡng cơ bản, do Vụ Khoa học đào tạo Bộ Y tế và Nhà Xuất bản Y học ấn hành từ trước năm 2001 (hiện đang là giáo trình giảng dạy chính thức trong các trường trung học và cao đẳng y), cho phép tiêm vào các vùng cơ, trong đó cơ delta được xếp đầu bảng. Tài liệu giảng dạy này cũng không khuyến cáo hạn chế tiêm cho những đối tượng dễ bị xơ hóa cơ delta như trẻ em.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội Chỉnh hình nhi VN, cảnh báo tiêm vào cơ delta là một việc hết sức nguy hiểm, dễ gây tổn thương tổ chức cơ, dẫn đến xơ hóa cơ delta. Ngay cả việc tiêm nước cất vào vùng cơ này cũng có thể gây ra chảy máu trong cơ và y học thế giới khuyến cáo không nên tiêm. TS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng nếu phải tiêm, nên tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm mông, thay vì tiêm thuốc vào cơ delta, nhằm giảm thấp nhất nguy cơ mắc xơ hóa cơ delta.
Lạm dụng tiêm
Thời gian qua đã có nhiều phương án để sửa chữa khuyết tật cho những trẻ bị xơ hóa cơ delta nhưng đến nay, sau gần 4 năm, hàng ngàn trẻ đã được phẫu thuật vẫn trong tình cảnh “chim xệ cánh”. Trong khi đó, việc tiêm sai vị trí vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm không an toàn đang bị người ra chỉ định lạm dụng. Đây là nguyên nhân chính làm lây truyền các bệnh viêm gan B, viêm gan C và HIV. Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu trên 776 bệnh nhân ở 18 BV. Kết quả, người bệnh được tiêm 2-3 mũi/ngày chiếm tới 47%, số người bệnh được tiêm 4-5 mũi/ngày là 26% và số người bệnh tiêm tới 5 mũi/ngày là 6,3%. Trung bình, người bệnh điều trị nội trú được tiêm 2,2 mũi/ngày và đặc biệt trẻ sơ sinh phải tiêm trung bình 2,5 mũi/ngày, cao nhất so với các nhóm khác. Vị trí tiêm được sử dụng nhiều nhất là cơ delta ở tay và cơ mông. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 17% số mũi tiêm là an toàn.
Bộ Y tế cũng đưa ra những con số giật mình: Chỉ có trên 35% nhân viên y tế rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ và trước khi đâm kim qua da; trên 99% dùng pank trong khi tiêm nhưng không thể phân biệt rõ giữa động tác sạch - bẩn và nhiễm khuẩn; 3% bơm kim tiêm nhiễm khuẩn chưa được cô lập ngay sau tiêm; 23% mũi tiêm chưa đạt tiêu chuẩn: vị trí tiêm, góc tiêm, độ sâu và yêu cầu hai nhanh một chậm. Ngoài ra, 66% hộp đựng vật sắc nhọn không đúng quy chuẩn.
Ngại tiêm vào cơ mông
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Khám bệnh của BV Việt Đức, cho hay có ba vị trí tiêm thông thường: cơ delta, cơ mông và cơ đùi. Tuy nhiên, việc tiêm vào cơ mông, cơ đùi dường như vẫn không thực hiện được vì nhân viên y tế ngại. Trong khi đó, theo nhiều tài liệu thì cơ delta chỉ thích hợp dùng cho tiêm vắc-xin như vắc-xin viêm gan B và uốn ván.
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế, cho biết sắp tới, khi tổng kết đánh giá chương trình tiêm an toàn, ngành y tế sẽ bổ sung quy định về liều lượng trong kỹ thuật tiêm an toàn để hạn chế những biến chứng xảy ra do kỹ thuật và thuốc tiêm.
Ngọc Dung (Người Lao động)
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 16:57 0 nhận xét
Nhãn: E. Tin tức sưu tầm
29/07/2010
Hội CTĐ tỉnh Gia Lai: Biểu dương 54 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến
Trong 5 năm qua, Hội cơ sở đã tăng thêm 43 đơn vị (nâng tổng số Hội cơ sở lên 355 đơn vị, 101.339 hội viên). Hoạt động cứu trợ của Hội đã mang lại hiệu quả thiết thực, mỗi năm Hội đã tổ chức cứu trợ khoảng 25.000 lượt hộ, trị giá 4-4,5 tỷ đồng/năm. Vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ xây dựng trên 110 ngôi nhà tình thương, nhà Chữ thập đỏ, các công trình nước sạch, giếng nước, nước giọt… Xây dựng nhiều mô hình nhân đạo tại địa phương như: Vay vốn phát triển sản xuất, cho các gia đình nghèo mượn giống heo, bò sinh sản, hỗ trợ hàng tháng cho các học sinh mồ côi… Công tác cứu trợ xã hộ, phòng ngừa thảm họa và trợ giúp nhân đạo được chú trọng, trong 5 năm đã trợ giúp trên 27 tỷ đồng cho 133.243 lượt người.
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn tổ chức phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 173 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam; khám, cấp thuốc miễn phí cho 21.820 lượt bệnh nhân; vận động cấp trên 900 chiếc xe lăn, xe lắc, ghế bại não….
Trong giai đoạn tới, Hội sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; xây dựng nguồn quỹ để chủ động trong công tác của mình…
Tại Hội nghị, 54 cá nhân, tập thể đã nhận bằng khen và giấy khen của Trung ương Hội, UBND tỉnh và Tỉnh hội vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.
Phương Dung (Theo Baogialai)
* Xem thêm bài: “Thi đua yêu nước trong hệ thống chữ thập đỏ chính là thi đua yêu thương những người nghèo khó, bất hạnh” (04/07/10)
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 16:23 0 nhận xét
Nhãn: E. Tin tức sưu tầm
20/07/2010
Hợp tác làm dụng cụ chân tay giả giữa VNAH và Trung tâm tháng 7 năm 2010
* Ngày 17 và 18 tháng 7 năm 2010, Trung tâm và VNAH cùng các cơ quan của địa phương tổ chức đo khám để làm dụng cụ chỉnh hình chân tay giả miễn phí cho các bệnh nhân tại Pleiku (Gia Lai); Số lượng bệnh nhân đã đo khám khoảng 270 người.
Nguyên Hồng.
(Hình ảnh do VNAH cung cấp)
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 08:55 0 nhận xét
24/06/2010
Siết chặt công tác quản lý đấu thầu thuốc
Thuốc của nhà thuốc bệnh viện thấp hơn bên ngoài
Tại cuộc họp với lãnh đạo các bệnh viện K, Nhi Trung ương, Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương - Hà Nội về vấn đề dược bệnh viện, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, giám đốc các bệnh viện trên đều cho biết, hiện nay thặng số lãi trần của các nhà thuốc bệnh viện chỉ dao động trong khoảng 5-13%, thậm chí có một số loại thuốc thặng số lãi trần bán lẻ chỉ đạt 2% - thấp hơn so với quy định tại Quyết định 24/QĐ-BYT về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện cho phép giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện dao động từ 5-20%. Liên quan đến vấn đề này, ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện luôn tuân thủ theo mọi quy định của pháp luật về vấn đề này. Nhiều bệnh viện đã kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc cung ứng, xuất kho, sử dụng, kê toa, giá bán thuốc từ khoa dược đến tận nhà thuốc. Bên cạnh đó, 100% các bệnh viện đã thành lập hội đồng thuốc và điều trị không chỉ tham mưu cho lãnh đạo các bệnh viện xây dựng danh mục thuốc chủ yếu sử dụng trong bệnh viện mà còn có vai trò giám sát việc kê đơn, bình bệnh án của bác sĩ... nhằm giúp cho những hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng cho biết thêm: Qua khảo sát ngẫu nhiên 2.491 mặt hàng của 6 nhà thuốc bệnh viện và 8 nhà thuốc xung quanh bệnh viện trong đợt thanh, kiểm tra về giá thuốc của Bộ Y tế tháng 4/2010 cho thấy: 97,78% lượt mặt hàng có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện thấp hơn giá bán lẻ tại nhà thuốc xung quanh bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,82% và 2,22% lượt mặt hàng có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá bán lẻ tại các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,54%...
Trường hợp trúng thầu, phải có các điều khoản cụ thể về số lượng, giá cả
Trong công văn ký ngày 7/5, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã yêu cầu giám đốc các cơ sở KCB công lập phải triển khai công tác đấu thầu thuốc kịp thời, theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo đủ thuốc theo danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở KCB. Theo đó, khi tổ chức đấu thầu mua thuốc, cần yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thông tin về giá bán buôn kê khai, giá nhập khẩu của thuốc kèm theo cam kết chưa có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về việc chưa hợp lý của giá thuốc kê khai làm căn cứ để xem xét, đánh giá, lựa chọn thuốc. Đối với các trường hợp trúng thầu, bệnh viện phải ký hợp đồng có các điều khoản cụ thể về số lượng, giá cả, giao hàng, thanh toán và thực hiện đúng như cam kết trong hợp đồng... Bên cạnh đó, cần chỉ đạo hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị trong việc lựa chọn, công tác bình bệnh án, tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý; Đồng thời tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động của nhà thuốc bệnh viện; không nhập các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại...
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá thuốc, cung cấp thông tin về giá thuốc đã kê khai theo đúng quy định, đặc biệt trong việc tham gia đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc cho bệnh viện, nhà thuốc bệnh viện; báo cáo về Bộ Y tế đầy đủ kết quả thực hiện hợp đồng đấu thầu, cung ứng thuốc cho các bệnh viện... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý giá thuốc, cung ứng, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý...
Thái Bình (Theo suckhoedoisong.vn - 08/05/2010)
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 16:12 0 nhận xét
Nhãn: E. Tin tức sưu tầm
25/02/2010
“Bóc vỏ xương” - Cứu cánh cho nhiều người bệnh
Nhiều trường hợp tàn tật sau gãy xương
Sau một năm bị tai nạn gãy xương hở, mặc dù đã được bó bột và khâu vết thương, song ông Trần Mạnh Huy, 45 tuổi (Văn Quán - Hà Nội) vẫn đau đớn không đi lại được. Ổ gãy ở cẳng chân vẫn chưa liền và cong vẹo. Tại Bệnh viện Quân y 108, bệnh nhân được chẩn đoán bị khớp giả thân xương dài. Ông Huy đã được thực hiện phẫu thuật bóc vỏ xương (đây chính là ghép xương tại chỗ) kết hợp với kết xương bằng đinh nội tủy có chốt. Sau 4 tháng, xương liền và bệnh nhân đi đứng bình thường.
TS. Nguyễn Văn Tín, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình cho hay, hiện có rất nhiều phương pháp điều trị khớp giả không nhiễm khuẩn ở các xương dài, mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm nhất định. Ở hầu hết các bệnh viện trong nước, phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật kết xương kết hợp với ghép xương mào chậu tự thân. Đây là một phương pháp điều trị có tính kinh điển, đạt tỷ lệ liền xương từ 85 - 95%. Tuy nhiên, bệnh nhân phải chịu thêm một thì mổ lấy xương ghép ở xương mào chậu. Ghép xương đồng loại hay ghép chất liệu thay thế xương ghép ít được ứng dụng do những nhược điểm về tỷ lệ thành công thấp, giá thành cao hoặc chất liệu không sẵn có... Vì vậy, bóc vỏ xương là một phương pháp rất hiệu quả đối với bệnh nhân.
Chi phí thấp nhưng hiệu quả cao
Theo TS. Bình, bóc vỏ xương là một phương pháp điều trị khớp giả thân xương dài đạt tỷ lệ liền xương cao, kỹ thuật không phức tạp, trang bị đơn giản mà lại giúp cho bệnh nhân giảm được một thì mổ lấy xương mào chậu như trong kỹ thuật ghép xương mào chậu tự thân. Khi mổ vào khớp giả, bác sĩ đục 1 lớp vỏ xương quanh chu vi thân xương, có độ dày từ 1 – 2mm, trên một đoạn dài từ 8 - 15cm bắc qua khe khớp giả. Lớp vỏ xương vẫn dính cốt mạc, cơ và phần mềm quanh xương. Các mảnh vỏ xương này sẽ là những mảnh xương ghép có mạch máu nuôi dưỡng đến từ cốt mạc cơ, tạo ra những mảnh xương ghép tại chỗ, có nguồn mạch máu nuôi dưỡng bao ôm quanh ổ khớp giả. Chính vì vậy, khả năng liền xương là rất cao, đạt tỷ lệ 95 - 98% trên hàng nghìn ca. Đặc biệt, không gặp những biến chứng đáng kể nào từ kỹ thuật bóc vỏ xương, kể cả tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ trên những khớp giả có tiền sử nhiễm khuẩn. Đồng thời trong phẫu thuật bóc vỏ xương, bệnh nhân sẽ được kết xương vững chắc để đảm bảo cố định tốt ổ khớp giả.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nghiên cứu và ứng dụng phương pháp bóc vỏ xương điều trị khớp giả thân xương dài (chủ yếu ở đùi và cẳng chân, một số ít ở cánh tay và cẳng tay) đạt tỷ lệ liền xương 96,7%, kết quả liền xương vững với thời gian trung bình là 6,3 tháng đối với xương đùi và 4,7 tháng đối với xương chày. Kỹ thuật bóc vỏ xương được thực hiện thuận lợi, an toàn cho cả những trường hợp khớp giả có phần mềm sẹo xấu dính xương mà cần bộc lộ đầu khớp giả. Bệnh nhân có thể tập vận động sớm sau mổ. Đối với khớp giả ở đùi, cẳng chân thường được kết hợp với kết xương vững chắc bằng đinh nội tủy có chốt. Đa số bệnh nhân được đi, đứng không cần chống nạng từ sau khi cắt chỉ liền sẹo vết mổ.
Hà Anh SK&ĐS
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 10:40 0 nhận xét
Nhãn: E. Tin tức sưu tầm
22/01/2010
Các nguy cơ của phẫu thuật và gây mê hồi sức
Thông thường, các bác sỹ sẽ giải thích ngay cho bạn các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, tuy nhiên thường thì các việc giải thích này có thể coi là muộn và gấp gáp vì bệnh nhân thường mong muốn được can thiệp sớm khi đã có chẩn đoán xác định trước khi hiểu rõ về các biện pháp điều trị cũng như là các nguy cơ có thể xảy ra do quá trình điều trị.
Một số trường hợp khác, khi được bác sỹ thông báo về các nguy cơ có thể xảy ra, một số bệnh nhân không hiểu rõ, sẽ e ngại, lo lắng và đôi khi từ chối việc phẫu thuật, làm mất đi cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Điều quan trọng nhất mà bạn cần nắm chắc, hiểu rõ và tin tưởng là:
1. Tất cả các bác sỹ đều muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho bệnh nhân của mình còn các nguy cơ nếu xảy ra là sự không tránh khỏi và không ai mong muốn. Trong trường hợp nếu các nguy cơ xảy ra, bạn cần trao đổi thẳng thắn với bác sỹ của mình, tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất để cải thiện tình trạng của mình.
2. Tất cả các nguy cơ xảy ra đều có tỷ lệ của nó, có những nguy cơ dễ xảy ra, có những nguy cơ khó xảy ra và việc xảy ra mang tính ngẫu nhiên chứ không thể định trước được, bởi vì nếu biết được nó sẽ xảy ra thì chắc chắn các bác sỹ đã không tiến hành cuộc phẫu thuật.
Về cơ bản, các nguy cơ trong và sau phẫu thuật có thể gặp phải là:
1. Các nguy cơ và biến chứng do gây mê hồi sức
Quá trình phẫu thuật đòi hỏi sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của gây mê hồi sức. Tùy theo yêu cầu của cuộc phẫu thuật mà bác sỹ gây mê có thể thực hiện hai loại gây mê cơ bản: gây tê vùng và gây mê toàn thân. Đối với gây mê toàn thân, bác sỹ gây mê phải kiểm soát và chỉ huy gần như hoàn toàn vấn đề hô hấp và tuần hoàn của bệnh nhân để đảm bảo yêu cầu cho phẫu thuật. Đối với gây tê vùng, có thể chỉ cần làm giảm đau đủ mức độ cần thiết để bệnh nhân hết đau, có thể thực hiện được phẫu thuật. Quá trình thực hiện thủ thuật gây mê hồi sức có liên quan đến hai nguy cơ cơ bản:
Nguy cơ do dùng thuốc: Có thể dẫn đến tình trạng phản ứng của cơ thể quá mạnh, còn gọi là sốc phản vệ và hậu quả nặng nề có thể tử vong.
Nguy cơ do các thủ thuật xâm nhập: như đặt ống nội khí quản, masque thanh quản có thể dẫn đến tình trạng như trào ngược thức ăn trong dạ dày vào đường hô hấp, …
Những nguy cơ này còn trầm trọng hơn nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác như: bệnh lý tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, Gout, bệnh thận, …
2. Nguy cơ chảy máu
Nguy cơ chảy máu là nguy cơ thường trực của tất cả các loại phẫu thuật. Nguy cơ này nếu xảy ra, có thể đòi hỏi phải thực hiện phẫu thuật lại để cầm máu hoặc là truyền máu, nếu cần thiết. Việc chảy máu sau phẫu thuật có thể do rất nhiều nguyên nhân: quá trình đông máu của bệnh nhân kém, sự bong cục máu đông sau phẫu thuật do bệnh nhân cử động mạnh, có thể tổn thương các mạch máu trước hoặc trong phẫu thuật mà trong khi phẫu thuật, do những điều kiện khách quan mà bệnh nhân không phát hiện ra,…
Nếu xảy ra chảy máu sau mổ, việc mổ lại để cầm máu có thể được đặt ra, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về chuyên môn của bác sỹ mới có thể có được kết quả tốt nhất.
3. Nguy cơ hình thành cục máu đông
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một nguy cơ sau phẫu thuật, đặc biệt, nguy cơ này có thể dẫn đến tử vong nếu cục huyết khối rời ra khỏi lòng mạch, trôi vào hệ thống mạch máu quan trọng của tim và phổi.
Nguy cơ hình thành cục máu đông là nguy cơ thường trực cho tất cả các bệnh nhân nằm lâu chứ không chỉ các bệnh nhân phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật là yếu tố thuận lợi làm cho bệnh nhân nằm lâu, do đó, bệnh nhân cần ý thức rất rõ điều này trước khi tham gia vào quá trình phẫu thuật để có thể hiểu rõ vai trò chủ yếu và quan trọng của mình trong việc ngăn chặn nguy cơ hình thành cục máu đông sau phẫu thuật. Ngăn ngừa nguy cơ này đòi hỏi sự phối hợp của bệnh nhân và bác sỹ trong đó, bệnh nhân đóng vai trò trung tâm. Đối với những phẫu thuật có nguy cơ, bác sỹ sẽ chủ động bổ sung thêm thuốc điều trị để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một nguy cơ và là một tình trạng nên chủ động phòng bệnh chứ không nên ỷ lại vào việc điều trị. Nếu xảy ra tình trạng này, việc điều trị cũng hết sức khó khăn và chi phí cũng hết sức tốn kém.
4. Nguy cơ tử vong
Mọi phẫu thuật đều có nguy cơ tử vong, mặc dù nguy cơ này có thể nhỏ. Quá trình phẫu thuật phải dùng thuốc và các biện pháp can thiệp điều trị, tất cả các biện pháp này đều có nguy cơ và nặng nề nhất là dẫn đến tử vong. Những phẫu thuật lớn, nặng nề như phẫu thuật tim mạch, não, nguy cơ tử vong là đương nhiên nhưng những phẫu thuật nhỏ như: cắt amiđan, cắt mộng thịt của mắt, …cũng thường trực nguy cơ này, mặc dù rất nhỏ.
5. Nguy cơ chậm liền
Một số bệnh nhân cần thời gian dài hơn bình thường để có thể liền vết thương, liền xương, … đặc biệt là những bệnh nhân có những yếu tố thuận lợi như có bệnh mãn tính, bệnh của hệ thống miễn dịch, bệnh chuyển hóa, …Quá trình liền thương về cơ bản phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân, một số yếu tố khác có thể được nhắc đến như: nhiễm trùng, ….nhưng không đóng vai trò chủ yếu.
6. Khó thở sau phẫu thuật
Đối với những phẫu thuật đòi hỏi việc gây mê toàn thân, nguy cơ khó thở và khó khăn trong việc bỏ máy thở là một trong những nguy cơ có thể gặp. Một số bệnh nhân có thể phải thở máy lâu hơn, một số bệnh nhân có thể phải thực hiện việc phục hồi chức năng đồng thời với việc cai máy thở. Những bệnh nhân có thể gặp những nguy cơ này thường là những bệnh nhân có nguy cơ mãn tính về bệnh lý hô hấp và tim mạch.
7. Nhiễm trùng sau mổ
Mọi cuộc phẫu thuật đều đòi hỏi phải phá vỡ hàng rào bảo vệ của cơ thể trong đó lớn nhất là da. Đây là cơ hội rất tốt để cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Quá trình phẫu thuật được thực hiện trong điều kiện vô trùng, tuy nhiên theo tính toán thì không thể có sự vô trùng tuyệt đối, do đó, nguy cơ nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra.
Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng này lên như: đái đường, bệnh lý toàn thân khác, kém dinh dưỡng,…
Mọi biện pháp về chủ quan và khách quan đều nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ này.
8. Chấn thương trong quá trình phẫu thuật
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, vì những điều kiện khách quan mà có thể xảy ra những chấn thương khác trong phẫu thuật như: cắt ruột thừa bị thủng ruột, cắt tử cung phạm phải niệu quản, kết hợp xương phạm phải mạch máu,…. Những thương tổn này có thể được phát hiện và xử lý ngay nhưng cũng có thể sau phẫu thuật mới phát hiện ra. Khi phát hiện xảy ra sự cố, việc can thiệp lại có thể được đặt ra và thực hiện ngay.
9. Liệt sau phẫu thuật
Một trong những biến chứng ít gặp nhưng rất nặng nề có thể xảy ra là liệt thần kinh sau phẫu thuật. Việc này thường gặp hơn ở các phẫu thuật não và tủy sống, tiếp theo là các phẫu thuật chi như kết hợp xương, phẫu thuật khớp,… các phẫu thuật này có sử dụng garô để giảm thiểu sự chảy máu, tuy nhiên do sự nhậy cảm của thần kinh ngoại vi của từng bệnh nhân có thể dẫn đến liệt thần kinh. Nguyên nhân của liệt thần kinh trong các trường hợp này là do tổ chức thần kinh bị thiếu máu nuôi. Về cơ bản, liệt này có thể hồi phục nhưng vẫn có tỷ lệ không hồi phục thần kinh sau mổ. Một số trường hợp, có thể cải thiện chức năng bằng các phẫu thuật chỉnh hình chuyển gân, một số trường hợp khác thì khó khăn hơn.
10. Kết quả phẫu thuật không được như mong muốn
Kết quả phẫu thuật không được như mong muốn là điều mà cả phẫu thuật viên và bệnh nhân đều không mong muốn. Trong một số trường hợp, mặc dù tất cả mọi biện pháp điều trị đều tốt và chuẩn mực nhưng kết quả phẫu thuật vẫn không được như mong muốn. Điều này được giải thích do nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng như: vấn đề cơ địa, vấn đề kỹ thuật. Trong một số trường hợp, khi nguyên nhân của kết quả kém sau phẫu thuật được xác định, việc can thiệp phẫu thuật lại có thể được đặt ra.
11. Tê bì và dị cảm sau phẫu thuật
Một số bệnh nhân phàn nàn về tình trạng tê bì hoặc dị cảm tại vùng mổ hoặc vùng lân cận. Tình trạng này có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Yếu tố có thể lý giải là: các nhánh thần kinh cảm giác bị cắt phải khi thực hiện đường rạch da. Về cơ bản, các nhánh thần kinh cảm giác sẽ hồi phục, tuy nhiên việc này đòi hỏi thời gian.
12. Sẹo mổ
Sẹo mổ là điều không tránh được sau phẫu thuật. Sẹo mổ có thể dài, ngắn hoặc rất ngắn, tùy theo loại phẫu thuật, trang thiết bị dụng cụ,… Liền sẹo là quá trình tự nhiên, ở 1 số bệnh nhân có thể sẹo to, xấu do yếu tố cơ địa. Tùy theo loại phẫu thuật sạch hay phẫu thuật nhiễm mà việc phục hồi vết mổ có thể khác nhau.
13. Sưng nề sau phẫu thuật
Sưng nề quanh vị trí phẫu thuật và các phần thấp hơn của cơ thể là diễn biến bình thường sau phẫu thuật. Ví dụ: Mổ vùng vai có thể sưng nề bàn tay và cẳng tay, mổ vùng gối có thể sưng nề vùng cẳng chân, bàn chân. Về cơ bản, sự sưng nề này sẽ dần dần đỡ đi và hết, quá trình này có thể kéo dài từ một vài tuần đến một vài tháng. Nguyên nhân của sự sưng nề được cho là sự thay đổi tuần hoàn trở về do ảnh hưởng của phẫu thuật và các thương tổn trước phẫu thuật. Một số biện pháp có thể làm giảm và làm hết sưng nề nhanh như chườm lạnh, dùng thuốc giảm phù nề, các biện pháp vật lý trị liệu,…
Như vậy, khi đứng trước sự lựa chọn phẫu thuật, bạn phải hiểu rằng bạn phải chấp nhận các nguy cơ của phẫu thuật và gây mê hồi sức. Các nguy cơ này, có thể tỷ lệ rất nhỏ nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu bạn quyết định lựa chọn phẫu thuật, vấn đề bạn nên quan tâm trước tiên là bạn có thực sự tin tưởng vào bác sỹ phẫu thuật và ekip thực hiện phẫu thuật cho bạn hay chưa? Nếu bạn tin tưởng vào trình độ chuyên môn của êkip sẽ thực hiện phẫu thuật cho bạn thì bạn có thể tin rằng, họ sẽ làm tất cả những gì tốt nhất có thể để đạt được kết quả phẫu thuật tốt nhất và cuộc phẫu thuật diễn ra được an toàn nhất.
Theo: www.dungbacsy.com
Người đăng: BỆNH VIỆN CHỈNH HÌNH - PHCN QUY NHƠN vào lúc 16:58 0 nhận xét
Nhãn: I. Nghiên cứu khoa học
Đời Sống-Gia Đình (VietBao VN)
Vui Cười (VietBao VN)
SƯU TẦM ĐỊA CHỈ ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN SỨC KHOẺ:
* Điện thoại của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 hoặc chương trình Cửa sổ tình yêu (04) 3 8262625 để được tư vấn miễn phí.
* Phòng tư vấn sức khỏe sinh sản Bệnh viện Từ Dũ TPHCM với các chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước, trong và sau sinh miễn phí dành cho các ông bố, bà mẹ: điện thoại (08) 3 8395117 (số nội bộ 368).
* Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng tại Bình Định: (có tư vấn về phòng chống HIV/AIDS): Địa chỉ liên hệ với Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng: 419 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn vào tất cả các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). ĐT: (056): 3 811 466. Trung tâm tư vấn HIV/AIDS miễn phí tại: + Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng - Bệnh viện Lao: ĐT (056) 3 748 922; + Phòng khám số 3 (936- 938 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn: ĐT (056): 3 792 476.
* Phòng tư vấn sức khỏe miển phí tại Trung tâm Y tế Quận 1 TP.HCM với trên 20 bác sĩ thuộc các chuyên khoa tham gia tham vấn sức khỏe trực tiếp hoặc qua điện thoại số (08) 3 8206544.
* Chương trình VTV1 "Sức khoẻ là vàng", phát sóng vào 18h ngày Chủ nhật và phát lại vào 15h Thứ 4 tuần kế tiếp: Số điện thoại nóng của chương trình là 1900561225.
* Chương trình VTV2 “Sức khoẻ cho mọi người”, phát sóng vào 17h30 ngày Thứ 3 hàng tuần và phát lại vào 12h trưa hôm sau.
* Trung tâm tư vấn ung thư Can Hope (Singapore) tại Hà Nội: 04. 3 7472729 / 04. 3 7472730
* Khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống là chương trình do BV Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) thực hiện vào lúc 13g30 thứ sáu hằng tuần.
Bệnh nhân có nhu cầu đăng ký qua số ĐT: 39234332 (xin số 895).
Khác:
* Bệnh nhân nam giới có nhu cầu khám và tư vấn các bệnh lý Nam khoa, vui lòng đăng ký tại BVĐH Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P11, Q5.:
1. Phòng khám Nam khoa. Điện thoại: (08) 3 8554269 (số 265) 2. Bộ phận chăm sóc khách hàng. Điện thoại: (08) 3 4051010- 3 4051212
*Ttư vấn “Bệnh loét dạ dày-tá tràng” liên hệ Phòng khám tiêu hóa - bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, xin vui lòng đăng ký qua số điện thoại: 08. 3 4051010, 3 4051212, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, bộ phận Chăm sóc khách hàng.
* Câu lạc bộ phòng chống Hen Hà nội, Hội Hen DU & MDLS Việt nam 04.3 9438933
* Các địa chỉ khác tại: http://shelove.biz/thong-tin-tu-van
* Tham khảo chữa rắn cắn: Địa chỉ liên hệ của ông Tần: Lê Văn Tần - xóm 6 xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Điện thoại: 0972.901.089.