Google

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Nhiều trẻ vẹo cột sống mà bố mẹ không biết

Nhìn từ phía sau, người ta có thể tưởng Như là một bà cụ nhỏ nhắn, chứ không nghĩ đó là một cô bé 14 tuổi. Bị cong cột sống tới 72 độ, em lúc nào cũng mặc cảm bởi dáng còng khắc khổ của mình.
Người nhà cô bé ở Như Xuân, Thanh Hóa này cho biết, khi Như còn nhỏ bố mẹ đã sờ thấy cột sống của em hơi cong, nhưng vì không có điều kiện, nên mãi tới khi thấy con gù lưng, không thể đứng thẳng, họ mới đưa em đi khám. Bố mẹ cho biết, Như cũng thường xuyên bị đau ngực, khó thở do phổi bên trái bị xẹp. Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ kết luận Như bị cong vẹo cột sống nặng và phải phẫu thuật nắn chỉnh
.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạch, trưởng khoa Phẫu thuật cốt sống, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Tràng Thi, Hà Nội) cho biết, Như chỉ là một trong số rất nhiều trẻ bị cong vẹo cột sống được đưa đến khám tại khoa, khi bệnh đã rất nặng.
Theo bác sĩ, có khoảng 2-3% dân số mắc cong vẹo cột sống, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở nhóm 13-18 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam. Có tới 2/3 số người bị cong vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân, còn lại có thể do dị tật bẩm sinh, u tủy sống hoặc cột sống...
Tiến sĩ Thạch cho biết, tại khoa phẫu thuật cột sống, mỗi dịp hè về, có tới gần trăm bệnh nhi được đưa tới khám cong vẹo cột sống, trong đó đa phần là đã ở mức độ nặng, khi cong vẹo đã thấy rõ.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh này nếu được điều trị sớm sẽ đạt kết quả tốt hơn. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm và phát hiện ngay những dấu hiệu bất thường để đưa con đi khám, điều trị kịp thời: Trẻ bị cong vẹo cột sống nhẹ nhìn bên ngoài có thể khó phát hiện nhưng khi sờ vào gai sau cột sống sẽ thấy cột sống của trẻ không thẳng hàng. Trẻ bị bệnh nặng hơn có thể dễ dàng nhận ra khi nhìn hai bên bả vai sẽ thấy một bên gồ cao, một bên thấp, đặc biệt ở động tác cúi xuống. Những trường hợp nặng sẽ thấy hai vai lệch nhau, ngực một bên nhô, một bên lép. Bệnh sẽ được chẩn đoán chính xác bằng chụp Xquang.
Theo ông, cột sống bị cong vẹo nếu không được phát hiện và xử trí sớm có khả năng gây ra những biến dạng ở khung chậu, lồng ngực nên có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan bên trong như phổi, tim... dẫn đến bệnh mãn tính, thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Tùy theo mức độ cong vẹo nặng hay nhẹ mà có các biện pháp điều trị khác nhau. Nếu góc vẹo nhỏ, dưới 40 độ, bệnh nhân có thể chỉ cần theo dõi định kỳ, tập vật lý trị liệu hoặc được điều trị bằng áo chỉnh hình cột sống. Nhưng khi góc vẹo lớn hơn 40 độ thì bệnh nhân cần được phẫu thuật.
Từ 8h đến 16h chủ nhật, ngày 7/8, khoa phẫu thuật cột sống, Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức sẽ tổ chức khám tư vẫn miễn phí cho các trường hợp bệnh nhân vẹo cột sống tại Hội trường lớn của Bệnh viện. Đối với những trường hợp vẹo cột sống cần can thiệp y tế, Bệnh viện sẽ hỗ trợ tiền phí áo chỉnh hình cột sống. Đây cũng là cơ hội cho những bệnh nhân và người nhà giao lưu với các trường hợp được phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống tại khoa từ trước đến nay. Liên hệ: 04.39380053 (khoa phẫu thuật cột sống)
Minh Thùy Theo vnexpress.net

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Phương pháp điều trị gãy xương hàm

Một trong những cấp cứu mà các bệnh viện hiện nay gặp ngày càng nhiều là gãy xương hàm. Đây thường là hậu quả của các tai nạn giao thông. Từ khi mũ bảo hiểm được sử dụng rộng rãi, tỉ lệ này đã giảm xuống.
Dù vậy gãy xương hàm cũng vẫn là những thách thức thực sự cho các đơn vị y tế đặc biệt là nơi không có chuyên ngành răng hàm mặt.
Những di chứng lâu dài do điều trị không đúng cách không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh mà còn tác động sâu sắc tới chức năng của "cửa ngõ" hệ tiêu hóa cơ thể.
Thế nào là gãy xương hàm?
Người ta thường chia gãy xương hàm làm hai loại: gãy xương hàm trên và gãy xương hàm dưới. Trong gãy xương hàm dưới lại có gãy từng phần: gãy xương ổ răng, vỡ lồi cầu, mỏm vẹt, bờ dưới xương hàm dưới, xuyên thủng xương; gãy toàn bộ: một đường: gãy vùng giữa, vùng bên, vùng góc hàm, cành lên, lồi cầu; hai đường: gãy đối xứng, không đối xứng ; ba đường, phức tạp.
Các phương pháp điều trị hiện nay
Điều trị bằng chỉnh hình: Chỉnh hình trong miệng là kỹ thuật ra đời sớm, được nhiều người ứng dụng và hiện nay vẫn là một phương pháp thông dụng ở nhiều nơi. Kết quả điều trị cho những trường hợp đường gãy đi qua vùng còn răng, di lệch ít.
Nắn chỉnh xương gãy: bằng tay hoặc bằng lực kéo. Cố định xương gãy: cố định hai hàm bằng phương pháp trong miệng: buộc dây thép, nẹp, cung cố định hàm, làm máng... và phương pháp ngoài miệng: băng cầm đầu, các khí cụ tựa vào sọ.
Điều trị phẫu thuật: Điều trị chỉnh hình không thực hiện được trong một số trường hợp đặc biệt: ở bệnh nhân mất nhiều răng, bệnh nhân có nhiều răng bị lung lay và bệnh nhân là trẻ em còn nhiều răng sữa.
Trong các trường hợp di lệch nhiều, có thể để lại sự tiếp xúc hai đầu gãy không tốt thì phương pháp chỉnh hình sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, cần thiết phải có các chỉ định phẫu thuật cố định xương hàm, gồm hai phương pháp:
- Phương pháp phẫu thuật cố định xương bằng chỉ thép: Phương pháp điều trị này được áp dụng từ rất sớm (năm 1847) trong ngành phẫu thuật chỉnh hình do Gordon Buck đề xuất. Sử dụng kỹ thuật khâu kết hợp xương bằng chỉ thép để điều trị gãy xương hàm dưới.
- Phẫu thuật cố định xương bằng nẹp vít: Cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật trên thế giới, nẹp vít cũng được các nhà khoa học sáng chế thành nhiều loại khác nhau cả về kích thước, kiểu dáng và chất liệu.
- Nẹp vít lớn tạo sức ép đầu gãy (Dynamic compression Plate).
- Loại vít tạo sức ép dọc trục (Axial dynamic compression Plate).
- Loại vít tạo sức ép lệch trục (Excentric compression Plate).
- Loại vít xuyên ép (Lag screw).
Nẹp vít nhỏ (mini plate) sử dụng trong điều trị gãy xương gồm hai loại: tạo sức ép đầu gãy và không tạo sức ép đầu gãy. Nẹp vít được chế tạo bằng các chất liệu như vitallium, tantalium,
Zirconium là kim loại dung nạp được lâu trong cơ thể. Ngoài ra còn có loại nẹp vít tự tiêu khi xương đã liền.
Nẹp cố định tự tiêu: Cấu tạo của các nẹp tự tiêu được tổng hợp từ phản ứng polyme hóa các dẫn xuất cacbon từ thiên nhiên.
Đây là dạng vật liệu ưu việt nhất hiện nay dùng cho chấn thương chỉnh hình, với các ưu điểm là không gây độc và không bị biến dạng và ăn mòn, có tính tương thích sinh học cao, có độ bền cơ học tốt.
Kỹ thuật nẹp kết hợp xương bằng nẹp tổ hợp cacbon cũng tương tự các bước như với nẹp kim loại, nhưng không cần dùng dụng cụ tạo nén ép các đoạn gãy, không phải dùng loại đinh ốc nén ép (lagscrew) và không cần ghép xương bổ sung mà hiệu quả vẫn cao.
Hiện nay ở Việt Nam cũng đã sản xuất được nẹp vít có cấu trúc dạng cacbon này, đã đưa sản phẩm ra thị trường, điều trị an toàn và hiệu quả hàng nghìn trường hợp phẫu thuật thay thế nẹp vít bằng kim loại, giá thành rẻ, chất lượng ngang bằng các loại ngoại nhập.
Do đó, việc thay thế nẹp vít tự tiêu chắc chắn sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong chuyên ngành chấn thương, chỉnh hình.
Một số biến chứng của mổ kết hợp xương
Giảm hay mất cảm giác vùng do dây thần kinh ổ mắt chi phối. Lõm mắt xảy ra cao trong các trường hợp gãy tầng mặt giữa, liên quan đến tổn thương thành ổ mắt, gây tăng thể tích hốc mắt, nhiễm khuẩn, xương không tiếp hợp tốt sau khi nắn chỉnh.
Di lệch khớp cắn khá phổ biến. Hội chứng khe ổ mắt trên và hội chứng đỉnh ổ mắt . Song thị: Theo một số tác giả, song thị có thể tự hết trong vài tuần đến 6 tháng.
Theo hongngochospital.vn

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Đau đầu gối phải, bị mổ đầu gối trái

Một bệnh nhân nữ ở Khánh Hòa nhập viện vì đau đầu gối phải, được chỉ định mổ ở vị trí này nhưng các bác sĩ đã mổ gối trái. Sau khi phản ánh với bệnh viện, vài tiếng sau cô lại được mổ tiếp gối phải. Thông tin được bệnh nhân Khánh Chi (sinh năm 1984, trú tại phường Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh) phản ánh hôm 29/6.
Bệnh nhân Khánh Chi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với 2 gối đều bị mổ. Ảnh: Việt Nữ.
Sáng cùng ngày, bác sĩ Phan Hữu Chính - Trưởng khoa Ngoại chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viên Đa khoa Khánh Hòa, đơn vị tiến hành mổ cho chị Chi, giải thích: Bệnh nhân nhập viện ngày 23/6, kêu đau nhiều ở gối phải. Sau khi chụp MRI, bệnh viện chẩn đoán chị bị tổn thương cả 2 gối nhưng gối phải đau hơn nên ưu tiên chỉ định mổ gối phải vào ngày 28/6.
Do Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa chưa có kinh nghiệm mổ nội soi khớp gối nên đã mời nhóm bác sĩ thuộc Hội y học thể dục thể dục thể thao TP HCM và Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, chuyên mổ các chấn thương trong thể thao. Đoàn do bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Phó Chủ tịch Hội Y học thể dục thể thao dẫn đầu, đã mổ nội soi khớp gối cho 15 ca (bao gồm cả chị Chi) trong hai ngày 27 và 28/6.
Trước khi mổ cho chị Chi, bác sĩ Đổng chẩn đoán gối phải đau vì viêm, nhưng gối trái dập sụn nghiêm trọng hơn, nên bàn với khoa mổ cả 2 gối. "Cái sai của khoa là không thông báo trước cho bệnh nhân nên gây bức xúc", bác sĩ Chính thừa nhận.
Sau khi bị mổ “trái ý” đầu gối trái không đau vào 11h trưa, đến 3h chiều hôm đó, bệnh nhân Khánh Chi lại phải gây tê mổ thêm đầu gối phải.
Bệnh viện cho biết sẽ làm việc với gia đình bệnh nhân để bàn miễn toàn bộ chi phí mổ cả hai đầu gối cho chị Chi, ước khoảng 16 triệu đồng ngoài bảo hiểm y tế. Việt Nữ - Theo Vnexpress

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Kéo dài chân thêm một cm chỉ mất 25 ngày

Cái giá của giấc mơ chân dài
Y học Việt Nam mấy năm qua giúp cho nhiều người cải thiện chiều cao của mình nhưng ca phẫu thuật vẫn gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Nhờ áp dụng kỹ thuật tiêm tế bào gốc, bệnh nhân giảm được khoảng 30% thời gian mang khung sắt cố định bên ngoài Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trung tướng, GS. TS. Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, một trong những người đầu tiên thực hiện kỹ thuật kéo dài chân tại Việt Nam cho biết, bác sĩ cắt ngang xương rồi lắp chân bệnh nhân vào khung cố định ngoài. Khung cho phép căng giãn nhiều lần trong ngày, tối đa căng giãn của một ngày là 1mm.
Thông thường thời gian cố định cho 1cm kéo dài là 38-40 ngày. Những ngày đầu, bệnh nhân nằm bất động trên giường bệnh.
Sau một thời gian, xương bắt đầu liền, bệnh nhân được bác sĩ cho tập đi lại, tì nén, vận động khớp. Theo GS. TS Bình, muốn kéo dài 5cm phải mất 50 ngày kéo dài xương. Tuy nhiên, muốn xương liền vững trở lại thì cần tới 35- 40 ngày bất động.
Về nguyên lý, có thể kéo dài thoải mái, bao nhiêu cũng được. Thời gian qua, GS.TS Bình đã thực hiện kéo dài chân tới 20cm nhưng là cho người bị khuyết tật ở chân. Còn về làm đẹp, chỉ kéo 5-7cm. Số ca kéo dài chân để cải thiện chiều cao những năm qua lên tới vài trăm ca. Chưa có ca nào gặp phải sự cố không mong muốn sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, công việc chăm sóc đôi chân sau mổ cũng khó khăn đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì và hợp tác tốt với bác sĩ, nhất là ở giai đoạn cuối của thời kỳ kéo giãn. Có những biến chứng dễ gặp như biến dạng gấp khớp gối, duỗi ở khớp cổ chân, và nhất là viêm các lỗ chân đinh…
Nguyên nhân là do bệnh nhân không tuân thủ đúng quy định của bác sỹ trong quá trình điều trị. Phẫu thuật kéo dài chân chủ yếu được áp dụng đối với bệnh nhân khuyết tật, dị tật bẩm sinh chân, mất đoạn xương lớn, sai khớp háng, mất đoạn xương lớn… Điều trị các khuyết tật này dựa trên kỹ thuật kết xương căng giãn.
Rút ngắn 1/3 thời gian điều trị nhờ tế bào gốc
Viện Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) vừa hoàn thành nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị mất đoạn xương và ngắn chi, giúp rút ngắn thời gian điều trị kéo dài chân.
Các bác sĩ phát triển kỹ thuật mới này để phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân mất đoạn xương và ngắn chi. Bệnh nhân được gây tê tuỷ sống để các bác sĩ lấy máu tủy xương trong xương chậu. Sau khi tách các thành phần trong máu tủy xương như: mỡ, hồng cầu, tiểu cầu, 20ml- 30 ml dịch tủy xương chứa tế bào gốc còn lại sẽ được tiêm vào ổ căng dãn xương để làm nhanh quá trình liền xương.
Sau tiêm tế bào gốc, bệnh nhân được dùng kháng sinh dự phòng và ra viện sau đó khoảng 3- 5 ngày. Các bệnh nhân đều đã liền xương, được tháo bỏ khung cố định ngoài và không hề có biến chứng; thời gian liền xương trung bình cho 1cm kéo dài xương là 25 ngày, rút ngắn khoảng 1/3 thời gian. Bệnh nhân không gặp biến chứng nào trong quá trình điều trị sau tiêm tế bào gốc.
Người được phẫu thuật kéo dài chân phải không mắc bệnh mãn tính hay cấp tính. Lứa tuổi tốt nhất để thực hiện kéo dài chân là 19 - 20 tuổi. Chi phí cho phẫu thuật kéo dài chi khoảng 30 triệu đồng.
Với trẻ nhỏ, một chế độ nuôi dưỡng tốt, luyện tập tốt ngay từ lúc sinh ra và thường xuyên liên tục cho đến khi lớn sẽ giúp chân dài ra, đỡ phải phẫu thuật kéo dài chân sau này. Thai Ha - Theo Tiền Phong

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Thiếu nữ cũng có thể trở thành 'Lưu gù'

Suốt mấy năm, Thương (18 tuổi, Hà Nội) luôn sống trong mặc cảm, tự thu mình vào "vỏ ốc" vì luôn bị bạn bè trêu là có dáng đi hình chữ S. Lý do là vì cột sống cô bị lệch hẳn sang một bên. Trong khi các bạn cùng trang lứa chọn những chiếc áo, váy bó sát lưng để tôn dáng thì Thương chỉ dám mặc áo sơ mi rộng thùng thình. Vào những dịp đặc biệt phải mặc áo dài bó sát người, cô cảm thấy giống như bị tra tấn vì bạn bè sẽ thấy rõ lưng cô bị vẹo như thế nào. "Mùa đông, mặc nhiều quần áo còn đỡ chứ mùa hè là mình bị ám ảnh nhất. Chỉ cần thấy ai chỉ trỏ, rì rầm nói chuyện sau lưng là đã có cảm giác họ đang nói về mình. Ai đời con gái mà cột sống không khác gì con rắn uốn lượn", Thương buồn bã nói. Phát hiện bệnh từ mấy năm trước, tuy nhiên do không được theo dõi, tập luyện điều chỉnh thường xuyên nên cột sống của cô càng bị vẹo nặng hơn. Người cô bị lệch hẳn về một bên. Tiến sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, kết quả chụp Xquang cho thấy, Thương bị biến dạng vẹo cột sống ngực thắt lưng 52 độ, kèm theo ưỡn quá mức cột sống thắt lưng với góc ưỡn 80 độ. Các bác sĩ đã tiến hành đặt vít, nắn chỉnh cột sống. Sau phẫu thuật, góc vẹo còn 20 độ, góc ưỡn cột sống thắt lưng cũng chỉ còn 50 độ. Theo các bác sĩ, những trường hợp bị vẹo cột sống như trên không phải là hiếm gặp, bệnh lý này chiếm khoảng 2-3% dân số. Bệnh phát triển nhanh nhất ở tuổi dậy thì, nữ mắc nhiều hơn nam với tỷ lệ chênh lệch 9 nữ trên một nam. Nhiều người cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do đứng hoặc ngồi sai tư thế, xách nặng một bên, thói quen nằm ngủ co quắp…, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. “Có rất nhiều nguyên khác nhau khiến cột sống bị vẹo, có thể do bẩm sinh, mắc bệnh lý về tủy sống, thần kinh cơ. Tuy nhiên, phần lớn đều là vẹo cột sống không rõ nguyên nhân”, tiến sĩ Hậu cho biết. Cũng theo ông, những bệnh nhân bị vẹo cột sống, nhất là nữ thường cảm thấy mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, nó còn làm biến dạng cột sống, gây chèn ép tim, phổi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời điểm khởi phát. Bệnh khởi phát ở trẻ càng nhỏ thì càng nặng, thậm chí có trường hợp gây suy giảm chức năng tim, phổi khiến bệnh nhân tử vong trước 20 tuổi. Trung bình mỗi năm, góc vẹo sẽ tăng lên 1,7 độ và đạt đỉnh khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Những trường hợp góc vẹo hơn 40 độ thường được chỉ định phẫu thuật, sau đó sẽ tiến hành phục hồi chức năng để giúp cột sống mềm dẻo hơn. Những bệnh nhân có góc vẹo dưới 40 độ thì chưa cần nắn chỉnh nhưng phải được bác sĩ theo dõi định kỳ và điều trị bảo tồn bằng cách sử dụng áo nẹp. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được các loại áo nẹp này mà chủ yếu nhập từ nước ngoài, chi phí lớn lên đến hàng chục triệu, không phải ai cũng mua được. Tiến sĩ Hậu khuyến cáo, điều quan trọng trong điều trị cong vẹo cột sống là cần phát hiện sớm để có xử lý kịp thời. Góc vẹo càng lớn thì khả năng phục hồi càng thấp. Vì thế, cha mẹ có thể phát hiện sớm bệnh của con bằng cách quan sát hai vai và cột sống của trẻ khi cúi xuống. Nếu thấy hai vai hoặc xương bả vai không cân bằng nhau, cột sống bị cong thì cần đưa con đi khám để được can thiệp kịp thời. Nếu trẻ bị phát hiện cong vẹo cột sống thì cần được thăm khám định kỳ để theo dõi độ phát triển của bệnh. Phương Trang (Theo VNexpres)

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Giảm đau khớp mà không dùng thuốc

Bệnh có tỷ lệ tàn tật cao Theo các bác sĩ, viêm khớp là một trong những dạng bệnh mạn tính có tỷ lệ tàn phế cao nhất và thực tế có rất nhiều người đã trở nên tàn tật vì căn bệnh này, dẫn đến giảm và mất khả năng lao động sinh hoạt, lao động hàng ngày. Theo ThS Võ Tường Kha, Trưởng khoa Đông y, Viện Khoa học TDTT, thời tiết từ nóng sang lạnh là lúc bệnh phát triển mạnh. Đau là triệu chứng đầu tiên của bệnh này. Lúc khởi đầu chỉ có một vài khớp bị đau, rồi từ từ nhiều khớp và có thể toàn thân bị đau nhức. Cách giảm đau và phòng ngừa Lấy lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi nướng nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Hoặc mỗi ngày, tốt nhất ngâm chân một lần vào thời gian thuận lợi, ngâm từ 15 - 30 phút. Nước muối ấm và gừng cũng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân. Mưa lạnh, ẩm thấp đau tăng, thường hay tái phát mỗi khi thay đổi thời tiết. Bệnh âm ỉ kéo dài, thường kèm theo các rối loạn khác như rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, ăn uống kém… Nguyên nhân của bệnh là do ổ khớp có rất ít mạch máu, chủ yếu hoạt động là do thẩm thấu. Vì vậy, những ổ khớp nào có nhiều mạch máu lưu thông thì ít bị đau và ngược lại. Mùa này vừa ẩm thấp, lại lạnh gây co mạch, làm máu lưu thông kém làm khớp bị loạn dưỡng và gây đau, tê cứng… Ngoài ra, nguyên nhân gây đau khớp là do sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể không đầy đủ, các yếu tố gây bệnh là Phong – Hàn - Thấp cùng phối hợp tác động xâm phạm đến kinh lạc – cơ – khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn không thông gây ra sưng đau, hoặc không sưng mà chỉ đau tê mỏi nặng ở một khu vực khớp xương hoặc toàn thân. Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu, làm cho khí huyết cũng giảm sút không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên tình trạng thoái hóa khớp xương và gây đau. Càng xoa bóp càng hỏng khớp Bác sĩ Kha cho biết, nhiều người đã rất sai lầm khi thấy đau là xoa bóp, điều đó sẽ rất có hại, làm cho khớp các đau thêm. Xoa bóp có thể có ích trong một số trường hợp, với các dụng làm giảm cơn co cứng. Tuy nhiên, không bao giờ được xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau…). Khi đau có thể dùng châm cứu để giảm đau. Bởi theo y học cổ truyền, các biểu hiện bệnh lý tại khớp xương như sưng, đau, mỏi, nặng, phù, biến dạng khớp… được gọi là chứng Tý. Tý có nghĩa là sự bế tắc, không thông, tắc nghẽn khí huyết sinh ra chứng sưng, đau nhức… Do đó, khi dùng kim châm vào những huyệt ở vùng khớp bệnh và xung quanh, sẽ làm kinh mạch được khơi thông, khi huyết được điều hoà, sẽ có kết quả giảm đau. Ngoài ra, những người bệnh bị đau khớp, viêm khớp dạng thấp, thấp tim cần lưu ý không nên ra ngoài khi trời lạnh. Độ ẩm không khí cao là nguy cơ gây đau, sưng. Hãy luôn giữ ấm bàn chân để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất Khi bị đau, cách tốt nhất để giảm đau là làm nóng (khi người bệnh không có bệnh lý gì đặc biệt): tắm nước nóng toàn thân (áp dụng cho các trường hợp viêm nhiều khớp), tắm nóng từng phần (những người không tắm được toàn thân hay đau khớp cục bộ, tay chân…), đắp nóng hoặc chườm nóng, dùng đèn hồng ngoại… Đối với tắm nóng, nhiệt độ nước từ 30 – 40oC, thời gian tắm từ 15 – 20 phút. Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn ngoại vi, tạo thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước. Đắp nước nóng bằng túi chườm nóng cho đau ở một hoăặ 2 khớp. Thời gian đắp tối đa 20 phút. Đèn hồng ngoại đặt cách da 60 cm, thời gian chiếu tối đa 30 phút… ThS Đỗ Sĩ Hùng, Trưởng khoa Vật lý trị liệu Trung tâm Cơ Xương khớp, bệnh viện E Hà Nội nhấn mạnh, nghỉ ngơi có tác dụng giảm đau ở người bệnh viêm khớp mạn tính và trong nhiều trường hợp có thể làm lui cơn bệnh. Đây cũng là lý do quan điểm điều trị trước đây thường xuyên người bệnh nghỉ ngơi tại giường. Nếu khớp đau do nguyên nhân cơ học như đau dây chằng hoặc lớp sụn thì nghỉ ngơi hoặc bất động khớp đó – là cách điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, việc nằm lâu một chỗ cũng tạo ra các nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng vận động và gây ra những thương tật thứ cấp. Vì vậy, người bệnh vẫn có thể di chuyển nhẹ nhàng để tránh co rút khớp. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyên, nếu sau vài ngày áp dụng các biện pháp này, không thấy thuyên giảm hoặc giảm rất ít, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, không nên tự ý dùng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc. Khánh An – (Theo Tienphong)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Thư chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 của Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân

Nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2011, thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ, tôi thân ái gửi tới các bác sỹ, y sỹ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên... đã và đang công tác trong Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thân ái gửi các đồng chí bác sỹ, y sỹ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên... đang công tác trong Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội

Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội hiện quản lý một hệ thống các Trung tâm điều dưỡng người có công, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, bệnh viện phục hồi chức năng, trong đó có hàng ngàn cán bộ, bác sỹ, y sỹ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên... đang công tác. Đó là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Ngành làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho người có công, cho trẻ em, cho những đối tượng bảo trợ xã hội, chữa trị phục hồi cho các đối tượng tệ nạn xã hội... Với tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”, đoàn kết, chủ động, sáng tạo các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích và đóng góp của các đồng chí.

Năm 2011 là năm khởi đầu thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015. Định hướng công tác của toàn Ngành là tạo bước phát triển nhanh, bền vững trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội để hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; giảm hộ nghèo, những người thiệt thòi, yếu thế được trợ giúp để vươn lên hoà nhập cộng đồng; tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường thân thiện, lành mạnh, an toàn…Phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2011, thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ, tôi thân ái gửi tới các bác sỹ, y sỹ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên... đã và đang công tác trong Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.
Chào thân ái.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Theo molisa.gov.vn)

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Singapore tiên phong với phương pháp chỉnh hình mới.

(24h) - Phẫu thuật chỉnh hình từ lâu đã là một trong những ngành y khoa không chỉ liên quan đến sức khoẻ và cuộc sống con người mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sự tự tin, thoải mái của bệnh nhân. Tại Singapore, một bác sĩ phẫu thuật vừa phát triển một kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro khi tiến hành với những phương pháp thông thường chữa trị trật khớp cùng đòn.
Theo Singapore (Syndacast) ngày 7 tháng 4, 2010, bác sĩ Lim Yeow Wai, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại bệnh viện Raffles, người tiên phong trong việc chỉnh trật khớp vai sau khi nhận ra rằng các phương pháp thông thường không mang đến những giải pháp lâu dài, đã dày công nghiên cứu và tìm ra một phương pháp mới nhằm không chỉ đảm bảo sự an toàn của bệnh nhân mà quá trình hồi phục và tính thẩm mỹ hậu phẫu được cải thiện đáng kể.
"Đã có rất nhiều loại phẫu thuật được thực hiện cho trật khớp vai tính đến nay. Tuy nhiên, kết quả của những phương pháp này vẫn còn đó những hạn chế nhất định.” ông nói.
Khớp cùng đòn là khớp xương nằm ở đỉnh vai, được cấu tạo bởi xương đòn và xương mỏm cùng – cùng với bốn dây chằng giúp cố định. Tùy thuộc vào tính nghiêm trọng của chấn thương ở vai, bệnh nhân có thể bị bong gân, đứt một hay tất cả các dây chằng. Chấn thương khớp cùng đòn thường gặp ở người đi xe đạp, cũng như ở những người tham gia vào các môn thể thao tiếp xúc như rugby, võ thuật và bóng bầu dục. Nếu không được chữa trị đúng cách, những chấn thương này có thể dẫn đến suy giảm khả năng vận động của cánh tay bị thương.
(H. Chấn thương ở vai làm đứt dây chằng và xương bị lệch ra khỏi vị trí )
"Hiện tại, đa phần các phương pháp chữa trị áp dụng các hình thức cấy ghép kim loại cứng như nẹp, đinh và ốc. Việc này giúp cố định xương một chỗ nhưng cũng thường dẫn đến thất bại vì khớp cùng đòn là một khớp xương linh hoạt, có thể nâng lên và xoay chuyển theo chuyển động. Đồng thời, đinh và ốc cũng thường không hiệu quả sau một thời gian, chúng bị lỏng đi vì những chuyển động bắt buộc mà vai và những phần xung quanh phải thực hiện hàng ngày,” bác sĩ Lim giải thích.
Đây cũng chính là những điều khiến bác sĩ Lim luôn trăn trở và dẫn ông đến việc nghiên cứu, phát triển phương pháp Triple Endobutton – một phương pháp linh hoạt cho phép các khớp xương chuyển động tự nhiên với ba nút nhỏ làm từ thép không rỉ, rộng khoảng 1 cm và hai sợi chỉ.


(H.Phương pháp Tripple Endobutton giúp cố định lại vùng bị thương và hỗ trợ cho quá trình hồi phục hiệu quả)
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ khâu chỉ qua lỗ của nút và vòng qua xương vai, tạo thành tư thế giữ theo dạng “giày trượt tuyết”. Điều này khiến cho vận động sau phẫu thuật của bệnh nhân được linh hoạt trong khi vẫn cố định được khớp. Theo như bác sĩ Lim, phương pháp này mang lại sức bền lớn hơn so với dây chằng tự nhiên.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật được thực hiện sau khi gây mê thông thường và bệnh nhân ở trong tư thế ngồi và lưng ngả về sau. Cho đến nay, bác sĩ Lim đã áp dụng kỹ thuật trên cho 30 ca và tỉ lệ thất bại là 3%, thấp hơn so với con số 20% của phẫu thuật khớp cùng đòn theo phương pháp cổ điển.
Một bệnh nhân đã được chữa khỏi bằng phương pháp của bác sĩ Lim là ông John Tuffin. Bệnh nhân 62 tuổi người Australia này là một vận động viên, ông bị chấn thương trong một buổi cưỡi ngựa tháng 4 năm 2009. Chấn thương của ông trở nên nghiêm trọng hơn khi gặp tai nạn trong một lần đi phà.
Trong cơn đau dữ dội, ông Tuffin tìm đến bệnh viện Raffles và được chuyển đến cho bác sĩ Lim, người đã chẩn đoán ông bị trật khớp cùng đòn và giải thích những lợi ích của phương pháp Triple Endobutton.
"Khi bác sĩ Lim giới thiệu với tôi cách chữa trị này, tôi cảm thấy đây là phương pháp rất có lý. Tôi nói: “Được, tôi sẽ chọn phương pháp này!”, và không cần suy nghĩ lại.”. Cuộc phẫu thuật kéo dài một tiếng rưỡi và ông được tháo băng vào ngày hôm sau.
"Mặc dù tôi thấy hơi đau trong vài ngày đầu nhưng những chuyển biến tích cực sau đó đã cho tôi thấy được những ích lợi của phương pháp này. Tôi không còn giật mình khi ngủ và trở mình trên giường không còn đau nữa,” ông Tuffin vui vẻ nói.
Ông chia sẻ thêm: “Bác sĩ Lim rất tận tình và kiểm tra mọi vấn đề liên quan để chắc chắn rằng cơ thể tôi phù hợp với phẫu thuật này. Đó là một bác sĩ phẫu thuật tốt, tôi rất tin tưởng vào bàn tay của ông ấy. Và kết quả đã có thể nói lên tất cả. Bệnh viện Raffles rất tiện nghi! Tất cả mọi trông đợi của tôi đều được đáp ứng và tôi không nghĩ đội ngũ bác sĩ và y tá ở đây có thể làm thêm điều gì nữa. Xuất sắc!”
Chi phí cho phẫu thuật Triple Endobutton là khoảng 10.000 đô la Singapore, so với phẫu thuật kiểu thông thường ở Mỹ thường là từ 20,000 đến 25,000 đô la Mỹ.
Đôi nét về bệnh viện Raffles:
Bệnh viện Raffles là bệnh viện đa khoa thuộc Tập đoàn Y tế Raffles, một tập đoàn y tế tư nhân hàng đầu Singapore và Đông Nam Á. Nằm ngay trung tâm thành phố và chỉ cách sân bay quốc tế Changi có 20 phút. Bệnh viện Raffles cung cấp đầy đủ các dịch vụ chuyên khoa . Với hơn 16 trung tâm chuyên biệt có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về y tế chẳng hạn như sản phụ khoa, tim mạch, khoa ung bướu và chấn thương chỉnh hình.
Về SingaporeMedicine:
Được khởi xướng năm 2003, SingaporeMedicine là cơ quan trực thuộc Tổng cục Du lịch Singapore, tập trung vào việc đưa vị trí của Singapore trở thành một trung tâm y tế hàng đầu châu Á và là nơi chăm sóc bệnh nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để biết thêm thông tin, bạn có thể tham khảo website: www.singaporemedicine.com.
(24H.COM.VN)

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Thay khớp nhân tạo miễn phí

Từ ngày 9 đến 16/9/2011, Tổ chức Operation Walk sẽ phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chọn 60 bệnh nhân mổ thay khớp gối và khớp háng. Tiền một khớp nhân tạo khoảng 45-80 triệu đồng được miễn phí.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Khớp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, Operation Walk là tổ chức nhân đạo của Mỹ, gồm các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Đây là lần thứ 2 đoàn đến Việt Nam.
Đợt này các bác sĩ sẽ triển khai nhiều kỹ thuật mới như thay khớp gối bán phần, thay cả 2 khớp trong một lần mổ với những bệnh nhân có bệnh lý ở cả hai bên.
Theo bác sĩ Dũng, thay khớp là một kỹ thuật khó, phức tạp, đặc biệt đòi hỏi khớp thay phải phù hợp với từng lứa tuổi, từng bệnh lý của mỗi bệnh nhân... Vì thế, các chuyên gia Mỹ yêu cầu gửi hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân được thay khớp để chuẩn bị khớp thay cho phù hợp.
Những bệnh nhân có biểu hiện đau, đi lại khó khăn hay đã được chẩn đoán có bệnh lý tại khớp háng và khớp gối, muốn được phẫu thuật miễn phí có thể đăng ký làm hồ sơ tại Khoa phẫu thuật khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (số 1 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Ngoài ra, có thể liên hệ với bác sĩ Dũng, số điện thoại 0983670368 hoặc bác sĩ Hải 0983670377 hoặc 069572532.
Hải Phong (Theo Vnexpress)

Đời Sống-Gia Đình (VietBao VN)

Vui Cười (VietBao VN)

SƯU TẦM ĐỊA CHỈ ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN SỨC KHOẺ:

Tư vấn miễn phí:

* Điện thoại của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 hoặc chương trình Cửa sổ tình yêu (04) 3 8262625 để được tư vấn miễn phí.
* Phòng tư vấn sức khỏe sinh sản Bệnh viện Từ Dũ TPHCM với các chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước, trong và sau sinh miễn phí dành cho các ông bố, bà mẹ: điện thoại (08) 3 8395117 (số nội bộ 368).
* Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng tại Bình Định: (có tư vấn về phòng chống HIV/AIDS): Địa chỉ liên hệ với Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng: 419 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn vào tất cả các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). ĐT: (056): 3 811 466. Trung tâm tư vấn HIV/AIDS miễn phí tại: + Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng - Bệnh viện Lao: ĐT (056) 3 748 922; + Phòng khám số 3 (936- 938 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn: ĐT (056): 3 792 476.
* Phòng tư vấn sức khỏe miển phí tại Trung tâm Y tế Quận 1 TP.HCM với trên 20 bác sĩ thuộc các chuyên khoa tham gia tham vấn sức khỏe trực tiếp hoặc qua điện thoại số (08) 3 8206544.
* Chương trình VTV1 "Sức khoẻ là vàng", phát sóng vào 18h ngày Chủ nhật và phát lại vào 15h Thứ 4 tuần kế tiếp: Số điện thoại nóng của chương trình là 1900561225.
* Chương trình VTV2 “Sức khoẻ cho mọi người”, phát sóng vào 17h30 ngày Thứ 3 hàng tuần và phát lại vào 12h trưa hôm sau.
* Trung tâm tư vấn ung thư Can Hope (Singapore) tại Hà Nội: 04. 3 7472729 / 04. 3 7472730
* Khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống là chương trình do BV Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) thực hiện vào lúc 13g30 thứ sáu hằng tuần.
Bệnh nhân có nhu cầu đăng ký qua số ĐT: 39234332 (xin số 895).


Khác:

* Bệnh nhân nam giới có nhu cầu khám và tư vấn các bệnh lý Nam khoa, vui lòng đăng ký tại BVĐH Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P11, Q5.:
1. Phòng khám Nam khoa. Điện thoại: (08) 3 8554269 (số 265) 2. Bộ phận chăm sóc khách hàng. Điện thoại: (08) 3 4051010- 3 4051212

*Ttư vấn “Bệnh loét dạ dày-tá tràng” liên hệ Phòng khám tiêu hóa - bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, xin vui lòng đăng ký qua số điện thoại: 08. 3 4051010, 3 4051212, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, bộ phận Chăm sóc khách hàng.

* Câu lạc bộ phòng chống Hen Hà nội, Hội Hen DU & MDLS Việt nam 04.3 9438933

* Các địa chỉ khác tại: http://shelove.biz/thong-tin-tu-van

* Tham khảo chữa rắn cắn: Địa chỉ liên hệ của ông Tần: Lê Văn Tần - xóm 6 xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Điện thoại: 0972.901.089.

Người theo dõi