Rất nhiều loại rối loạn hệ vận động do tư thế sai trong sinh hoạt, làm việc có thể được ngăn ngừa hiệu quả nếu được tập vật lý trị liệu sớm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM Lê Khánh Điền cho biết có không ít bệnh nhân bị các bệnh lý về cột sống khi tìm đến khoa vật lý trị liệu thì các rối loạn đã ở giai đoạn nặng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Những bệnh nhân này lúc bắt đầu đau nhẹ hay coi thường, để “lướt” qua hoặc chỉ uống thuốc giảm đau. Để lâu ngày, tới lúc đi khám bệnh thì đĩa đệm cột sống đã bị hư nhiều tầng. Ở giai đoạn này, điều trị bằng vật lý trị liệu đôi khi không còn hiệu quả và bác sĩ bắt buộc phải ra chỉ định phẫu thuật.
Đời sống thành thị bận rộn căng thẳng và đặc biệt với các nghề nghiệp yêu cầu phải ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, tài xế, thợ may..., khiến ngày càng có nhiều người bị các bệnh “thời đại” như béo phì, tiểu đường, tim mạch, thoát vị đĩa đệm cột sống, hội chứng đường hầm cổ tay. Trong số này, những rối loạn về cơ xương khớp hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn sớm tìm đến chuyên khoa vật lý trị liệu để được khám, điều trị và hướng dẫn tập luyện ngay khi có những triệu chứng ban đầu như mỏi lưng, mỏi cổ (các rối loạn ở cột sống) hoặc tê ngón tay, sức cầm nắm giảm (hội chứng đường hầm cổ tay). Thậm chí, kể cả lúc chưa bị đau, bạn vẫn có thể “đi trước một bước” bằng cách ghé qua khoa này trong những dịp đến bệnh viện khám tổng quát. Một số bệnh nhân tuổi còn trẻ khi chụp X-quang kiểm tra phổi thì mới phát hiện mình bị vẹo cột sống.
Ngoài các bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng, vật lý trị liệu còn giúp phòng ngừa chấn thương hoặc tái chấn thương đối với vận động viên (hướng dẫn các tư thế an toàn thích hợp với từng môn thể thao), giúp tình trạng thoái hóa khớp ở người lớn tuổi được cải thiện hoặc không trở nên nghiêm trọng hơn...
Trước đây, vật lý trị liệu chủ yếu được nhắc đến với vai trò điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân, nhưng nay đã khẳng định được hiệu quả trong cả việc phòng ngừa. Cụ thể là chứng đau lưng, nỗi ám ảnh của nhiều nhân viên văn phòng. Nếu không điều trị đúng cách, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng đau lưng mạn tính, sớm thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa... Ngoài những trường hợp từng bị chấn thương hoặc bị các bệnh lý bẩm sinh về cột sống thì nguyên nhân chủ yếu gây đau lưng là do tư thế, động tác sai trong sinh hoạt thường ngày như: cúi gập lưng để nâng vật nặng; ngồi làm việc trước máy tính trong thời gian dài ở tư thế sai (cổ cúi tới trước, lưng gập về trước hoặc ngửa ra sau); nằm ngủ nghiêng chéo chân; nằm võng quá lâu và thường xuyên. Bên cạnh đó, ngồi làm việc liên tục 7 - 8 tiếng và thiếu vận động sẽ khiến hệ cơ, đặc biệt là cơ lưng, cơ bụng bị yếu, không còn nâng đỡ cột sống hiệu quả.
Cột sống là sự phối hợp hài hòa của các đốt sống, đĩa đệm, mặt khớp và hệ thống cơ, dây chằng, giúp thực hiện các chức năng nâng đỡ cơ thể, bảo vệ tủy sống và đảm bảo các cử động. Những tư thế sai nói trên và tình trạng cơ yếu làm sự phối hợp này hết “ăn ý”, gây nên các vi chấn thương, lâu ngày sẽ dẫn đến những tổn thương nặng nề ở cột sống. Nếu sớm tìm đến khoa vật lý trị liệu, bạn sẽ được kiểm tra chức năng vận động, thói quen sinh hoạt, làm việc để phát hiện các yếu tố “nguy cơ” như tư thế sai, ít vận động, tập luyện thể dục thể thao không phù hợp, sau đó được chỉ định các bài tập đặc thù, hướng dẫn các tư thế đúng, nếu cần sẽ được điều trị bằng điện trị liệu, siêu âm hoặc kéo cột sống, và tư vấn về cách giữ gìn cột sống.
Lan Chi
(Nguồn Thanhnien.com.vn)