Google

05/12/2017

Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh



Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm:
I. Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
II. Các Hướng dẫn kiếm soát nhiễm khuẩn
1. Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đến đặt thông tiểu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Hướng dẫn xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi và xử lý ống nội soi mềm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
5. Hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
6. Hướng dẫn vệ sinh môi trường bề mặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

12/07/2017

Phác đồ điều trị viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay

Các nghề nghiệp phải sử dụng bàn tay nhiều như làm ruộng, giáo viên, phẫu thuật, cắt tóc, nội trợ. Vi chấn thương (các động tác lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay và ngón cái) là điều kiện thuận lợi gây nên viêm bao gân.

Nhận định chung
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay (De Quervain syndrome) là bệnh lý viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái do nhà phẫu thuật người Thuỵ Sỹ Fréderic De Quervain phát hiện năm 1895. Bệnh thường gặp ở nữ giới từ 30 đến 50 tuổi. Bình thường cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái trượt trong đường hầm được bao bọc bởi bao hoạt dịch gân, có tác dụng làm trơn để hai gân trượt được dễ dàng. Khi bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng lên gây ra hiện tượng chèn ép dẫn đến hạn chế vận động của gân trong đường hầm gọi là hội chứng De Querrvain.
Nguyên nhân còn chưa rõ (tự phát). Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ như:
 − Các chấn thương vùng cổ bàn tay.
− Phụ nữ có thai và cho con bú.
− Các nghề nghiệp phải sử dụng bàn tay nhiều như làm ruộng, giáo viên, phẫu thuật, cắt tóc, nội trợ. Vi chấn thương (các động tác lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay và ngón cái) là điều kiện thuận lợi gây nên viêm bao gân.
− Trong một số trường hợp có sự kết hợp với một số bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
Phác đồ điều trị viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Kết hợp nhiều phương pháp điều trị: Không dùng thuốc, dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, ngoại khoa.
Dự phòng bệnh tái phát: Loại bỏ các yếu tố nguy cơ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, chú ý tư thế lao động đúng..
Các phương pháp không dùng thuốc
Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay và ngón tay cái (thường 4 - 6 tuần).
Trường hợp sưng đau nhiều nên dùng băng nẹp cổ tay và ngón cái liên tục trong 3 - 6 tuần ở tư thế cổ tay để nguyên, ngón cái dạng 45 độ so với trục xương quay và gấp 10 độ.
Chườm lạnh.
Điều trị bằng sử dụng laser màu, siêu âm, xung điện kích thích thần kinh qua da (TENS – transcutaneous elactrical nerve stimulation) để giảm đau, chống viêm
Dùng thuốc
Thuốc chống viêm không steroid bôi tại chỗ:
Thuốc diclofenac dạng bôi: bôi  2-3 lần/ngày.
Thuốc giảm đau: acetaminophen (Paracetamol): 0,5g x 2-4 viên /24h.
Thuốc chống viêm không streroid đường uống:
Dùng một trong các loại thuốc sau: diclofenac 50mg x 2 viên/24h; meloxicam 7,5mg x 1-2 viên/24h; celecoxib 200 mg x 1 – 2 viên/24h.
Tiêm corticoid trong bao gân De Quervain:
Cần tránh tiêm vào mạch máu. Do vậy tốt nhất là nên tiêm corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm do tính chính xác, độ an toàn cao. Chỉ các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa khớp mới được tiêm corticoid trong bao gân vì có nguy cơ đứt gân khi tiêm vào gân hay nhiễm trùng.
Các chế phẩm:
+ Hydrocortison acetat là loại tác dụng nhanh, thời gian bán huỷ ngắn. Liều cho một lần tiêm trong bao khớp là 0,3ml. Tiêm không quá ba lần cho mỗi đợt điều trị.
+ Methyl prednisolon acetat là loại tác dụng kéo dài, liều dùng 0,3 ml/1 lần, mỗi đợt tiêm hai lần. Mỗi năm không quá ba đợt.
+ Betamethasone (tên đầy đủ: betamethasone pripionate): Liều dùng 0,3ml/1 lần tiêm. 
Điều trị ngoại khoa
Chỉ áp dụng khi tất cả các biện pháp trên không hiệu quả. Can thiệp phẫu thuật  tạo ra nhiều không gian hơn cho gân hoạt động để gân không cọ xát vào đường hầm.  Sau mổ, có thể tham gia phục hồi chức năng. Sau khi cắt chỉ, tập các bài tập chủ động để tăng dần biên độ và sức mạnh của các cơ.
Tiến triển và biến chứng
Hội chứng De Quervain đa số diễn biến từ từ và kéo dài; triệu chứng thường không rầm rộ. Đôi khi bệnh  nhân chỉ đau và hạn chế vận động nhẹ. Tuy nhiên bệnh ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, làm giảm năng suất lao động, đặc biệt là khi làm các động tác cần đến hoạt động tinh tế của bàn tay.
Phòng bệnh
Tránh các hoạt động bàn tay, cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài; cần xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cũng cần tập luyện cho gân dẻo dai qua những bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.
Không nên xoa bóp thuốc rượu, dầu nóng vì dễ làm tình trạng viêm nặng thêm. Không nên nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân khớp.
Ngoài ra, nên có chế độ ăn đầy đủ sinh tố, đặc biệt ở phụ nữ khi mang thai hay sau khi sinh. Ở người lớn tuổi, nên bổ sung thêm calci, dùng sữa và các sản phẩm của sữa (sữa chua, phomat).



Phòng tránh trào ngược và hít sặc khi sử dụng Mask thanh quản

Ưu điểm lớn nhất của Mask thanh quản (cLMA) so với các dụng cụ kiểm soát đường thở trên thanh môn khác (SADs) là tính dễ đặt ngay cả với những người chưa có kinh nghiệm, cho phép kiểm soát đường thở nhanh chóng, người gây mê thì được “rảnh tay”.
Tuy nhiên khi sử dụng Mask thanh quản cần chú ý Phòng tránh trào ngược và hít sặc: - cLMA không bảo vệ được đường thở khỏi hiện tượng hít sặc khi có trào ngược từ dạ dày vì vậy không nên sử dụng cLMA trong các trường hợp có nguy cơ trào ngược và hít sặc cao. Một số biện pháp làm hạn chế trào ngược và hít sặc khi sử dụng cLMA là:
- Lựa chọn cLMA cho những trường hợp không có nguy cơ trào ngược và hít sặc.Những trường hợp nguy cơ trào ngược và hít sặc cao như: dạ dày đầy, có bệnh trào ngược dạ dày-thục quản, béo phì…thì không nên dùng cLMA
- Đặt cLMA khi đã cho ngủ đủ sâu
- Tối ưu hóa kỹ thuật đặt và kiểm tra vị trí đúng của LMA
- Không nên sử dụng thông khi áp lực cao trước và sau khi đặt cLMA
- Cố định tốt cLMA tránh dịch chuyển vị trí ban đầu
- Chuyển về kiểu thở tự nhiên càng sớm càng tốt nếu không cân thiết thở điều khiển
- Tránh dịch chuyển cLMA trong khi phẫu thuật nếu không cần thiết
- Rút cLMA khi bênh nhân há mồm theo lệnh

14/06/2017

Điều trị viêm khớp bằng tế bào gốc: lợi ích-nguy cơ?

VIAM - Tế bào gốc là tế bào vạn năng có thể phát triển và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau. Điều trị tế bào gốc là một thành tựu khoa học vĩ đại của nhân loại và trở thành một trong những phương pháp điều trị các bệnh nan y, mạn tính đầy tiềm năng

Ở tuổi 55, Geogre Chung ở Los Angeles vẫn theo đuổi trượt  tuyết chuyên nghiệp như những vận động viên trẻ tuổi. Không  ai biết trước đây người đàn ông này đã từng bị viêm xương khớp nặng. Các bác sỹ đã đề nghị ông phẫu thuật nhưng ông Chung lại chọn phương pháp điều trị tiêm tế bào gốc. Chỉ hai tháng sau khi điều trị đầu tiên, ông Chung đã hết các cơn đau. Và giờ đây sau 3 năm điều trị với 9 liệu trình,ông Chung đã có thể quay lại với môn trượt  tuyết yêu thích của mình. Năm ngoái ông còn tham gia vào một cuộc thi đạp xe đường dài và đã dành được giải. 
Tế bào gốc là tế bào vạn năng có thể phát triển và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau. Điều trị tế bào gốc là một thành tựu  khoa học vĩ đại của nhân loại và trở thành một trong những phương pháp điều trị các bệnh nan y, mạn tính đầy tiềm năng. Hiện nay điều trị bằng tế bào gốc đang bùng nổ ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới và được áp dụng với rất nhiều bệnh từ những bệnh tự kỷ cho đến chứng đa xơ cứng, rối loạn cương dương. Nhưng các bằng chứng khoa học để hỗ trợ chứng minh cho phương pháp điều trị này hiệu quả như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Bởi chúng ta không thể kiểm soát được mọi vấn đề của tế bào gốc, còn có quá nhiều cơ chế mà chúng ta không thể nắm bắt, cũng như độ tương tác của tế bào gốc với cơ thể người điều trị.
Điều trị viêm khớp gối  rất phổ biến, đây là bệnh mạn tính gây rất nhiều đau đớn cho người mắc. Chi phí điều trị một ca viêm khớp gối rơi vào khoảng 2000 $ ở Mỹ và thường không được bảo hiểm chi trả. Nhiều nhà nghiên cứu và các bác sỹ xem công nghệ tế bào gốc để điều trị là sự hứa hẹn đây tiềm năng. Nhưng trong lúc công nghệ tế bào gốc đang trên đà phát triển thì có nhiều tổ chức lại bắt đầu xem xét đến độ an toàn của công nghệ. Gần đây cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ bắt đầu các chiến dịch thắt chặt  quy định về điều trị tế bào gốc do có những trường hợp  người điều trị gặp phải tác dụng không mong muốn. Sản phẩm từ tế bào gốc duy nhất mà cơ quan này chấp nhận đó dùng máu cuống rốn cho các bệnh nhân bị ung thư máu và các rối loạn về máu khác.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí y khoa  New England, FDA đã cảnh báo việc thiếu bằng chứng về các phương pháp điều trị bằng tế bào gốc  rất đáng lo ngại. Các chuyên gia của cơ quan này cũng trích dẫn những tác dụng không mong muốn nguy hiểm trong đó có việc bị mù cả hai mắt khi điều trị thoái hóa điểm vàng bằng tế bào gốc.
Trong một trường hợp khác, một bệnh nhân tiêm tế bào gốc sau khi đột quỵ đã bị liệt và phải điều trị xạ trị. FDA cũng lưu ý rằng phương pháp tế bào gốc luôn cần phải đặt độ an toàn lên hàng đầu, chẳng hạn như gây ra khối u ở những bệnh nhân nhận điều trị điều trị tế bào gốc mà không phải từ một nghiên cứu nào sẽ khó có thể kiểm soát được biến chứng điều trị.
 Nhiều bác sỹ cho rằng điều trị khớp gối sẽ ít biến chứng hơn bởi đó là một phương pháp được nghiên cứu nhiều nhất. Nhưng một số khác lại cho rằng vẫn nên được nghiên cứu nhiều hơn. Tính riêng tại Mỹ, trong vòng 5 năm qua đã có hơn 500 bệnh nhân được điều trị bằng phương  pháp tế bào gốc cho bệnh viêm khớp gối. Nhưng vẫn không có nhiều nghiên cứu thử  nghiệm lâm sàng cho vấn đề này. Biến chứng hay gặp nhất của điều trị khớp gối bằng tế bào gốc đó là cốt hóa sụn, sưng đau tại chỗ tiêm.
Các bác sỹ thường đưa tế bào gốc từ tủy xương của bệnh nhân, mô mỡ hoặc máu vào khớp gối của bệnh nhân. Tuy nhiên việc lấy tế bào gốc  từ tủy xương là một quá trình nhanh chóng và đơn giản nhất. Những bệnh nhân điều trị sẽ được chụp X-quang trước và sau khi điều trị để xem sự tăng sinh sụn diễn ra như thế nào. Rõ ràng là có hiệu quả điều trị nhưng người ta vẫn không biết làm thế nào mà tế bào gốc lại có thể khiến các bệnh nhân giảm đau và nếu như tế bào gốc có tiết ra những chất chống viêm, giảm đau thì liệu nó có ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh hay không? Liệu phương pháp tế bào gốc có thể điều trị với những người bị mòn sụn khớp hay không? Chúng ta vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận xem điều trị hàng ngày bằng tế bào gốc có làm giảm viêm khớp hay không.
 Với những lo ngại như vậy nên người ta khuyến cáo là bệnh nhân bị viêm khớp gối nặng nên điều trị thay khớp gối hoàn toàn. Hoặc có một htur nghiệm điều trị khác an toàn hơn đó là tiêm huyết tương được làm giàu tiểu cầu, axit hyaluronic và steroid.
Với những người quyết định thử nghiệm phương pháp điều trị tế bào gốc nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, cách thức tiến hành. Đặc biệt là lựa chọn cơ sở y tế uy tín để điều trị.
 Thông tin thêm về điều trị tế bào gốc tại bài viết: Liệu pháp tế bào gốc: Triển vọng và thách thức

19/04/2017

Ứng dụng tế bào gốc trung mô trong chấn thương chỉnh hình

Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của y học, các tế bào gốc trung mô (TBGTM) là tâm điểm tập trung rất nhiều công sức của toàn thế giới không chỉ trên phạm vi nghiên cứu mà cả về sự phát triển của điều trị trên cơ sở tế bào cho nhiều loại bệnh khác nhau.
Từ hơn ba thập niên qua đã có một công trình đầu tiên, được coi là cách mạng ở vào thời điểm đó, đưa ra một khái niệm là nhiều loại mô liên kết có thể bắt nguồn từ một tế bào đầu dòng chung hay một tế bào gốc mà vẫn có mặt trong tủy xương sau sinh. Các TBGTM liên tục phân chia (tự đổi mới) và biệt hóa thành các kiểu hình cuối cùng như các nguyên bào xương, các tế bào sụn, các nguyên bào cơ có thể ứng dụng vào lĩnh vực điều trị.
 
Các tế bào gốc trung mô là gì?
Sau khi tế bào trứng thụ tinh, các tế bào sinh sản rất mạnh, đến cuối tuần lễ thứ 2 của phôi kỳ thì đĩa phôi lúc đó mới chỉ có 2 lớp là nguyên ngoại bì và nguyên nội bì. Tiếp theo xuất hiện một lớp thứ 3 chen vào giữa là nguyên trung bì. Nguyên trung bì sẽ biệt hóa thành các tế bào trung mô, hợp thành mô liên kết ở trạng thái chưa biệt hóa gồm những tế bào non có thể sinh ra mọi loại mô liên kết trưởng thành như mô sợi, sụn, xương, cơ xương, mô mạch máu, ngà răng…
 
Các tế bào gốc trung mô của người lần đầu tiên được phân lập bởi Friedenstein và cộng sự, năm 1974. Đó là một quần thể các tế bào gốc của người lớn biệt hóa từ trung bì phôi, không thuộc dòng tạo máu. Các TBGTM này hiện nay được sử dụng nhiều nhất về điều trị tế bào trong lâm sàng khoảng 10 năm nay, nhất là trong các tổn thương mô và các rối loạn miễn dịch. Chúng khởi đầu được lấy từ tủy xương người, nay được phân lập từ nhiều loại mô trưởng thành, có những đặc điểm của các tế bào gốc phôi như: là những tế bào gốc đa năng có giới hạn, điều tiết miễn dịch và có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào đầu dòng không phải của chỉ trung bì phôi (như tế bào sụn, tế bào xương, tế bào mỡ, tế bào tim, tế bào cơ xương) mà của cả ngoại bì phôi (như tế bào thần kinh các loại) và nội bì phôi (như tế bào gan, tế bào β tiểu đảo tụy) lại có xu hướng kết dính với giàn chất dẻo trong điều kiện nuôi cấy chuẩn nên là cơ sở cho việc ứng dụng vào điều trị nhiều loại bệnh ở người như các bệnh xương-khớp, các bệnh thoái hóa thần kinh, các bệnh tự miễn, các bệnh tim-mạch và dùng trong ghép thận… Nói cách khác, các nhà khoa học đã dùng các TBGTM thay thế cho các tế bào gốc phôi trong nghiên cứu và trong điều trị người bệnh.
 
Ngoài tủy xương, TBGTM cũng hiện diện ở đa số các mô người trưởng thành bao gồm: máu dây rốn, hoạt mạc, gan, mô mỡ, phổi, dịch ối, các gân, nhau thai, da, và sữa mẹ. Đặc biệt là việc phát hiện các quần thể TBGTM từ các mô khác nhau của răng người trong mấy thập niên qua, hiện có tới 8 quần thể các loại TBGTM của các mô răng đã được phân lập với các đặc điểm riêng biệt. Nhau thai và răng là hai nơi dễ lấy và thuận tiện nên được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra, các tế bào lấy từ răng là các tế bào gốc trưởng thành nên không có liên quan đến các quy định về đạo đức.
 
Các TBGTM có thể phát triển hiệu quả trong phòng thí nghiệm tạo điều kiện cho các nghiên cứu lâm sàng tiến mạnh trong nhiều lĩnh vực như điều trị phục hồi mô, điều trị các rối loạn miễn dịch, ghép TBGTM, sản xuất các yếu tố tăng trưởng… Đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng TBGTM trên lâm sàng không sợ liên quan đến các vấn đề đạo đức hay tạo ra u quái như trong một số trường hợp sử dụng tế bào gốc phôi hay các tế bào gốc đa năng.
 

Hình 1. Tiêm TBGTM vào trong khớp để điều trị các bệnh lý khớp gối. Thông qua sự giải phóng các yếu tố dinh dưỡng và sự tiếp xúc tế bào, TBGTM có thể tác động làm giảm thoái hóa sụn, giảm tạo gai xương và giảm viêm hoạt mạc. TBGTM cũng có các đặc điểm chung có ích đối với các biểu hiện ngoại khớp.

Hình 2. Các ừng dụng điều trị hiện nay của các TBGTM trong nhiều bệnh lý.

Hình 3. Khả năng biệt hóa của tế bào gốc trung mô.
 
Điều trị gãy xương không lành
Xương là một loại mô kỳ diệu, sau khi bị gãy xu hướng tự nhiên sẽ tự tạo ra các tế bào xương để làm lành xương. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân làm cho xương không thể lành hoặc chỉ tạo được mô sợi không chắc chắn. Nếu không lành xương do mất đoạn xương lớn như trong ung thư hay chấn thương thì phương pháp điều trị thường là ghép xương để kích thích sự lành xương. Ghép xương có thể được xem là tiêu chuẩn vàng cho các trường hợp không lành xương. Tuy nhiên, kỹ thuật ghép xương tự thân có các nhược điểm như thêm vào một vị trí phẫu thuật khác, không phải bao giờ cũng lấy được đủ xương, bênh nhân khó chịu lo lắng và đau đớn, hoặc nếu dùng ghép xương đồng loại thì có thể gây phản ứng miễn dịch hoặc thải loại mảnh ghép, tăng chi phí điều trị.
 
Một cách tiếp cận mới cho mất đoạn xương lớn là sử dụng các kỹ thuật tế bào gốc: tuyển chọn tế bào gốc đưa vào nơi xương gãy bằng sử dụng một bộ giàn collagen và sau đó là một gen tạo hình xương (gen BMP) đưa trực tiếp tới nơi tế bào gốc với sử dụng xung siêu âm.
 
Ở phòng thực nghiệm, một cách tiếp cận khác là làm biến đổi tế bào gốc có sẵn tại nơi xương gãy hoặc lấy từ các nơi khác. Phương án chuyển đổi này có khả năng tái sinh làm lành các mất đoạn xương và do đó làm giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian phải nghỉ việc và giảm chi phí điều trị trong tương lai. Hơn nữa, điều trị can thiệp này có thể tiến hành vài ba lần khi cần thiết.
 

Hình 4. Ứng dụng các TBGTM trong điều trị gãy xương.
 
TBGTM là loại tế bào có khả năng tạo xương, chúng có xu hướng tạo mô xương khi được đặt trong môi trường thích hợp. Phương pháp sử dụng TBGTM, thường được lấy từ tủy xương vùng mào chậu và tiêm trực tiếp vào vị trí không lành xương. Phương pháp này đã được nhiều tác giả chứng minh là giúp kích thích sự lành xương. Các tế bào đơn nhân tủy xương bao gồm các tế bào đầu dòng và các tế bào gốc có khả năng tạo mạch máu và tạo xương. Các nghiên cứu đã kết luận rằng “Sự kết hợp các tế bào đơn nhân tủy xương tự thân với mảnh ghép xương đồng loại có thể là một phương pháp hiệu quả trong điều trị khớp giả xương dài bằng cách tận dụng các đặc tính tốt của xương ghép tự thân và giảm thiểu được những nhược điểm của nó”. Vì vậy, tế bào gốc có khả năng kích thích sự lành xương trong các trường hợp không lành xương khi dùng đơn độc hoặc kết hợp.
 
Điều trị hoại tử chỏm xương đùi
Hoại tử chỏm xương đùi thường xảy ra ở những người trẻ sau chấn thương hoặc sử dụng thuốc steroid, uống nhiều rượu… Tổn thương mạch máu dẫn đến mất các tế bào tạo xương nằm trong vùng xương dưới sụn và gây biến dạng chỏm xương đùi, làm thay đổi hình dạng chỏm xương đùi và gây đau, đi khập khiễng, giới hạn vận động. Phương pháp điều trị trước đây chủ yếu tập trung vào việc làm giảm áp lực trong xương bằng cách tạo các đường hầm vào chỏm và cổ xương đùi trong giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển nặng thì thường phải thay khớp. Kích thích điện, cắt lọc xương và điều trị bằng thuốc cũng đã được nghiên cứu với kết quả đạt được không đồng nhất. TBGTM cũng đã được sử dụng để phát triển lại vùng xương chết của chỏm xương đùi. Phương pháp thường được dùng là tiêm tủy xương cô đặc đã được một số tác giả nghiên cứu cho thấy có kết quả khả quan.
 

Hình 5. Hình ảnh hoại tử chỏm xương đùi.
 
Điều trị tổn thương sụn khớp
Mô sụn khớp không có mạch máu nên khi bị tổn thương sẽ rất khó phục hồi. Ghép sụn xương tự thân và ghép tế bào sụn tự thân đã được sử dụng cho những trường hợp tổn thương lớn của sụn khớp, đã có những thành công bước đầu tuy kết quả chưa đồng nhất. Phương pháp khoan vào vùng sụn tổn thương để tủy xương dưới sụn đi vào khớp và phủ lên lớp sụn khuyết cũng đạt được những kết quả khả quan. Nhưng phương pháp này chỉ tạo được lớp sụn sợi phủ lên chứ không phải dạng sụn hyaline tự nhiên.
 
Kết quả đáng khích lệ của việc phục hồi khuyết sụn bằng TBGTM trên thỏ đã đưa đến việc ứng dụng tương tự trên con người. TBGTM tủy xương lấy từ mào chậu được nuôi cấy nhân lên trong phòng thí nghiệm 4 tuần, sau đó được bơm vào vị trí tổn thương sụn và cố định bởi lớp màng xương. Kết quả đạt được rất khả quan cả trên lâm sàng và trên đại thể. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả tốt khi điều trị tổn thương sụn lồi cầu xương đùi và sụn xương sên bằng TBGTM lấy từ tủy xương, mô mỡ hay từ các loại mô khác của cơ thể. Vì vậy, việc sử dụng TBGTM trong điều trị tổn thương sụn đã không còn chỉ là thử nghiệm mà đã bước sang giai đoạn ứng dụng trên lâm sàng với kết quả đáng khích lệ.
 
Điều trị tế bào gốc để khôi phục sụn có nhiều ưu điểm như: có thể thay thế cho việc thay khớp; sử dụng TBGTM có thể là giải pháp tốt, thay cho ghép xương-sụn hay ghép tế bào sụn tự thân mà thường chỉ có kết quả hạn chế; TBGTM có thể tạo ra các tế bào sụn, cơ chế “trở về nhà” sẽ đưa chúng đến các nơi tổn thương, và vì có nguồn gốc tự thân nên không bị thải loại; có thể tái sinh sụn, đặc biệt là sụn khớp – một mô bền chắc bao phủ các đầu xương; TBGTM có thể khởi đầu các hoạt động tái sinh tại khớp trong các trường hợp viêm xương-khớp hay viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp tuổi già.
 
Các TBGTM sử dụng thường là tự thân, lấy từ nhiều loại mô khác nhau của chính người bệnh. Trường hợp người bệnh già yếu bệnh tật, có thể lấy từ người khác có HLA phù hợp (ghép đồng loại). Nhiều khi TBGTM được dùng phối hợp với huyết tương giàu tiểu cầu trong có chứa các yếu tố tăng trưởng, cung cấp các tín hiệu và nuôi dưỡng các tế bào gốc.
 

Hình 6. Điều trị tổn thương sụn gối bằng TBGTM.
 
Điều trị tổn thương gân
Gân, với thành phần chính là collagen, là một trong những cấu trúc có ít mạch máu của cơ thể nên khi bị tổn thương thì khả năng phục hồi chậm. Xu hướng chậm phục hồi này tạo ra một tình trạng gọi là viêm gân. Các nhà khoa học đã thử nghiệm nhiều phương pháp để cải thiện khả năng phục hồi của gân như sử dụng các chất kích thích tăng trưởng (như tiểu cầu đậm đặc). Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên động vật sử dụng TBGTM gắn trên các bộ giàn khác nhau đã mang lại kết quả khích lệ nhưng kết quả không đồng nhất. Gần đây người ta thấy các tế bào gốc tìm thấy trong mô gân có những đặc điểm chung của tế bào gốc như khả năng biệt hóa đơn dòng, khả năng tăng sinh mạnh, khả năng biệt hóa đa dạng, không gây phản ứng miễn dịch hoặc suy giảm miễn dịch. Vì vậy, đây là một triển vọng mới trong điều trị tổn thương gân một khi hiệu quả của nó được chứng minh trên thí nghiệm và lâm sàng.
 
Những ứng dụng điều trị khác của tế bào gốc trong chấn thương chỉnh hình
Ngoài những ứng dụng trên của tế bào gốc, một số tình trạng bệnh lý khác cũng đang được nghiên cứu về khả năng điều trị bằng tế bào gốc như tăng khả năng gắn kết xương trong hàn xương đốt sống, phục hồi tổn thương thần kinh… Tế bào thần kinh từ lâu được xem là tế bào ít có khả năng tái sinh. Khi bị tổn thương thì khả năng phục hồi rất thấp và đến nay gần như chưa có phương pháp nào hiệu nghiệm cho các tổn thương thần kinh. Tế bào gốc với khả năng biệt hóa của nó thành nhiều dạng tế bào khác nhau nên rất có tiềm năng trong việc tái tạo lại mô thần kinh. Các nghiên cứu trên mô hình động vật của tác giả Yasuda và cộng sự đã đạt được kết quả khả quan. Loại tế bào gốc có thể mang lại kết quả tốt nhất cũng như cơ chế hoạt động thực sự của chúng vẫn còn đang được nghiên cứu, người ta hy vọng là trong một tương lai không xa sẽ có các tế bào gốc thích hợp để điều trị cho các trường hợp tổn thương tủy sống.
 
Tóm lại, những bằng chứng hiện nay đã cho thấy đang có nhiều hướng đi mới trong điều trị bệnh lý cơ-xương-khớp với sự hỗ trợ của tế bào gốc. Mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu để biết được chức năng, sự biệt hóa của tế bào gốc cũng như sự tái tạo tự nhiên của các mô gân, cơ, xương… Nhưng trong một tương lai gần, khi có sự kết hợp của các nhà sinh học, kỹ sư sinh học cũng như các bác sĩ lâm sàng thì chắc chắn sẽ có được những bước phát triển vượt bậc trong điều trị sử dụng tế bào gốc.
 

Hình 7. Khả năng biệt hóa thành nhiều dòng tế bào, tái sinh mô và các khả năng ứng dụng trong điều trị lâm sàng của các TBGTM người.

TS BS Bùi Hồng Thiên Khanh
ThS BS Mai Thanh Việt
Nguồn tin: Benhvienbaichay.vn

18/04/2017

Tế bào gốc mô mỡ tự thân - Giải pháp phục hồi sụn khớp

SKĐS - Thoái hóa khớp gối là một bệnh thường gặp từ lứa tuổi trung niên trở đi và gần đây xuất hiện ở cả người trẻ.
Thoái hóa khớp gối là một bệnh thường gặp từ lứa tuổi trung niên trở đi và gần đây xuất hiện ở cả người trẻ. Ở người trên 35 tuổi, 52% có biểu hiện ít nhất một triệu chứng của thoái hóa khớp như đau khớp, hạn chế cử động khớp gối và lên tới 80% ở người trên 70 tuổi.
Thoái hóa khớp gối - Nỗi lo của chất lượng sống
Về cơ bản, thoái hóa khớp là tổn thương thoái hóa chủ yếu của sụn khớp, do quá trình sinh tổng hợp chất cơ bản (proteoglycan) bởi các tế bào sụn có sự bất thường. Đặc trưng của bệnh là quá trình mất sụn khớp của tế bào dưới sụn và tổ chức xương cạnh khớp tân tạo, phối hợp với tổn thương của các sợi liên kết, các cơ quanh khớp, bao khớp và màng hoạt dịch. Nguyên nhân thực sự của bệnh thoái hoá khớp vẫn chưa được khẳng định, đó có thể là hậu quả của quá trình chuyển hóa sụn trong đó hoạt động thoái hoá vượt trội hơn hoạt động tổng hợp. Các yếu tố tham gia vào quá trình này là tuổi già, béo phì, di truyền, do chấn thương, thể thao, nghề nghiệp và thay đổi nội tiết ở phụ nữ.
Sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Bệnh thoái hóa khớp gối ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Người bệnh bị thoái hóa khớp gối phải chịu đựng những cơn đau nhức dai dẳng đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, ảnh hưởng nhiều tới chế độ sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang… Tình trạng sưng khớp do thoái hóa khớp dẫn tới khó khăn trong vận động, co duỗi khớp có khi cứng khớp không thể đi lại được, đặc biệt là vào thời gian buổi sáng lúc mới ngủ dậy, nhiều bệnh nhân phải mất một khoảng thời gian nhất định để làm ấm khớp, giúp cho việc cử động được dễ dàng hơn. Sau một thời gian bị thoái hóa khớp, sụn khớp bị hư hại, bào mòn dần sẽ dẫn đến mất sụn, các đầu xương cọ vào nhau gây đau đớn cho người bệnh. Cấu trúc khớp sẽ bị biến đổi dẫn tới mất chức năng vận động, tàn phế. Ít ai biết rằng thoái hóa khớp là nguyên nhân gây tàn phế lớn thứ 4 của con người.
Chính vì mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, với dân số gần 90 triệu người và số người cao tuổi đang dần tăng lên, có thể thấy nhu cầu cần điều trị của bệnh thoái hóa khớp gối ở Việt Nam là rất lớn và cấp thiết.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp gối chủ yếu làm giảm triệu chứng bao gồm chỉ định nội khoa với các loại thuốc giảm đau chống viêm, tiêm chất nhờn ổ khớp… kết hợp với các phương pháp như giáo dục bệnh nhân về phòng ngừa, chống các tư thế xấu, các yếu tố nguy cơ nặng bệnh, vật lý trị liệu hầu hết đều nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì chức năng vận động khớp gối chứ chưa giải quyết được tận gốc bản chất của bệnh là tổn thương mất sụn khớp.
Biện pháp điều trị ngoại khoa thoái hoá khớp gối như đục xương chỉnh trục, nội soi rửa - bao khớp, thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối chỉ định cho các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, kháng lại với các phương thức điều trị nội khoa và thường là ở giai đoạn muộn của thoái hóa khớp đặc biệt là phương pháp thay khớp gối nhân tạo, tuy nhiên cũng e ngại đến những biến chứng của khớp giả (nhiễm trùng, tổn hại thần kinh) và khớp giả chỉ có thể được sử dụng dao động trong khoảng 10 - 15 năm.
Rõ ràng có một nhu cầu cấp thiết cần một kỹ thuật điều trị mới thực sự tác động tới sự phục hồi sụn khớp, phối hợp tốt với các phương pháp hiện tại, cải thiện các biến chứng cũng như các mặt hạn chế của chúng. Sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân để điều trị thoái khớp là phương pháp điều trị bảo tồn, đáp ứng được nhu cầu bức thiết đó.
Liệu pháp tế bào gốc mô mỡ tự thân – Định hướng của tương lai
(H.tham khảo trên internet)
Với liệu pháp sử dụng tế bào gốc tự thân, tế bào gốc của chính bệnh nhân được phân tách từ mô mỡ, sau đó được kích hoạt và tiêm vào ổ khớp. Dưới sự kích thích của các tác nhân tại chỗ tế bào gốc sẽ phát huy các tác dụng khác nhau bao gồm việc biệt hóa thành tế bào sụn; chống viêm; kích thích mô tại chỗ phát triển thông qua việc tiết ra các yếu tố tăng trưởng... Như vậy, phương pháp này có các ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác ở chỗ nó giải quyết được tận gốc tổn thương sụn khớp vốn là nguyên nhân gây thoái hóa khớp. Kỹ thuật này bổ sung một mắt xích quan trọng cho chuỗi liệu pháp hiện tại, đạt hiệu quả cao và an toàn, góp phần cải thiện chất lượng sống và tuổi thọ.
Qua nghiên cứu tài liệu, kết quả các công trình nghiên cứu sản xuất và ứng dụng tế bào gốc trên thế giới, đồng thời để đáp ứng tình hình thực tế ở nước ta về xu hướng, nhu cầu phát triển ứng dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, dựa trên các căn cứ về con người, năng lực, cơ sở vật chất, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 95/QĐ-BYT cho phép Bệnh viện Bạch Mai được triển khai kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân từ năm 2012.
Kỹ thuật phân tách tế bào gốc mô mỡ tự thân ứng dụng cho điều trị thoái hóa khớp gối được Bệnh viện Bạch Mai sử dụng những công nghệ tiên tiến với nhiều ưu điểm đã và đang được nghiên cứu và thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhằm đảm bảo tính hiệu quả của kỹ thuật điều trị nhờ khai thác được nhiều tế bào, thủ thuật tiến hành đơn giản, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và thời gian điều trị ngắn. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên y tá, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân sau khi được điều trị bằng kỹ thuật tế bào gốc mô mỡ tự thân sẽ không còn phải chịu đựng các cơn đau tái diễn nhiều lần trong khoảng thời gian dài, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo một nghiên cứu về phân loại bệnh, thoái hóa khớp gối chiếm 10,41% số bệnh nhân nhập viện tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh thường gặp ở các khớp chịu lực, trong đó ở Việt Nam hay gặp nhất là thoái hóa khớp gối, đặc biệt ở bệnh nhân nữ. Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai mỗi tháng điều trị nội trú khoảng 30-50 lượt bệnh nhân thoái hóa khớp gối, số bệnh nhân ngoại trú rất lớn, gấp 2-3 lần bệnh nhân nội trú, tổng cộng khoảng 100-200 lượt bệnh nhân mỗi tháng.

TS. Nguyễn Mai Hồng (BV Bạch Mai) (Theo suckhoedoisong.vn)

14/03/2017

Kỹ thuật thay đổi cuộc sống người bệnh

GD&TĐ - Thoái hóa khớp, viêm khớp… là bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Những ai mắc bệnh này mới thấu hiểu được nỗi khổ của việc có chân mà không thể đi lại hoặc nhẹ hơn là mỗi lần di chuyển như một lần tra tấn. 
Trước kia, bệnh nhân mắc bệnh này chấp nhận “sống chung với lũ” còn hiện nay khoa học phát triển mở ra nhiều cơ hội, giúp người tưởng gắn phần đời còn lại với chiếc giường có thể đi lại dễ dàng.
Kết quả bất ngờ
Bệnh nhân đau khớp từng qua phẫu thuật nay bệnh tái phát trở lại dường như cầm chắc việc làm bạn với chiếc xe lăn, chiếc giường cùng những cơn đau hành hạ suốt đời. Tuy nhiên, một người từng sống trong đau đớn nay đứng lên đi lại khiến bản thân bệnh nhân, người nhà và cả bác sĩ phải ngỡ ngàng.
Đó là trường hợp bà L.T.M (50 tuổi, Hà Nội). Bà làm bạn với căn bệnh đau khớp đã lâu. Bà từng phẫu thuật thay khớp gối bán phần nhưng theo bà thì việc đi lại sau đó không thực sự thoải mái, đặc biệt là công cuộc phục hồi chức năng sau mổ là quãng thời gian bà không muốn nhớ tới.
Cứ ngỡ, mọi đau đớn trải qua sẽ được đền bù nhưng không lâu sau, căn bệnh tái phát trở lại. Nhập viện lần này, bà xác định tinh thần không thể chữa trị nhưng không ngờ, kỹ thuật phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bạch Mai đem lại điều kỳ diệu mà bà không bao giờ nghĩ tới.
Theo bà L.T.M, 2 giờ sau khi phẫu thuật, bà đã xuống giường và 2 ngày sau có thể đi lại mà không có cảm giác khó chịu ở gối.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyến (Thạch Thất, Hà Nội) mắc bệnh nhiều năm, từng chữa nhiều nơi nhưng chỉ giảm đau chứ không khỏi hẳn.
Những ngày gần đây, cơn đau hành hạ khiến bà phải ngồi một chỗ cũng không yên. Mong muốn khỏi bệnh để đi lại bình thường, gia đình đưa bà vào Bệnh viện Xanh Pôn.
Kết quả xét nghiệm X quang cho thấy cả 2 khớp gối đều thoái hóa, các biện pháp chữa giảm đau cũng như bảo tồn không hiệu quả. Thay khớp gối là biện pháp cuối cùng được bác sĩ tính đến.
Theo bác sĩ Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn: Bệnh nhân được thay từng khớp một. Kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với khớp mới nên thay vì ngồi xe lăn, bệnh nhân có thể đi lại, không bị cơn đau hành hạ.
Chia sẻ với mọi người, bà Tuyến cho biết như vừa trút được gánh nặng trăm cân ở đầu gối. Một trường hợp khác là cậu bé 5 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau đầu, quấy khóc, được chẩn đoán bị giãn não thất.
Thay vì chờ xếp lịch mổ, bệnh nhi được hệ thống phẫu thuật bằng robot của Bệnh viện Bạch Mai can thiệp. Sau 2 giờ phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi hồi phục tốt…
Kỹ thuật mới
Phẫu thuật bằng robot được nhiều nước áp dụng nhưng ở nước ta còn hạn chế. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống phẫu thuật robot Mako và Rosa lần đầu tiên được ứng dụng ở nước ta để thực hiện ca phẫu thuật phức tạp, đặc biệt là can thiệp ngoại khoa đòi hỏi sự chính xác đến từng mm.
Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Thế Hào khẳng định: Các phẫu thuật viên robot có khả năng định vị chính xác được tổn thương, đặc biệt ở các vị trí khó, nhỏ mà bác sĩ không nhìn thấy được.
Robot cũng thực hiện can thiệp một cách tinh tế nhất, giúp “hàn gắn” các vết thương mà không làm tổn hại đến các khu vực xung quanh, mất máu ít và giảm tối đa đau đớn cho bệnh nhân.
Nhờ đó, sử dụng robot có thể phẫu thuật não được cho các bệnh nhân nhỏ 2 - 3 tuổi, nhẹ cân. Đây là điều mà các bác sĩ phẫu thuật ít dám mạo hiểm.
Thay khớp gối là kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ bác sĩ cũng như nhiều yêu cầu với bệnh nhân. Nhưng nay, kỹ thuật này được áp dụng ở nhiều nơi nhờ sự sáng tạo của ê kíp.
Bệnh viện Xanh Pôn từng phẫu thuật thay khớp gối thành công cho bệnh nhân trên 100 tuổi. Gần đây, bệnh nhân 50 tuổi từng thay khớp háng và nay lại bị hoại tử vô mạch lồi cầu đùi có chỉ định thay khớp gối.
Hoại tử vô mạch vùng khớp gối là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hóa nặng gây tàn phế nếu không điều trị sớm. Đây là bệnh lý hiếm gặp ở bệnh nhân tuổi 50 (3,4%) nhưng ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Xanh Pôn tự tin phẫu thuật cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân đã đi lại được, hết đau. (Theo giaoducthoidai.vn)

06/02/2017

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG

I. ĐẠI CƯƠNG
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một phương pháp điều trị những bệnh lý khớp háng mà tất cả các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả. Thông thường thay khớp háng nhân tạo sẽ giúp giảm đau cho bệnh nhân, cải thiện tầm vận động khớp háng giúp bệnh nhân trở lại các sinh hoạt hàng ngày.
– Có nhiều loại bệnh lý làm tổn thương sụn khớp của chỏm xương đùi và ổ cối như bệnh hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…
– Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo chỉ định trong các trường hợp sau:
+ Nếu người bệnh điều trị bảo tồn không có kết quả, bệnh nhân đau kéo dài
+ Gãy cổ xương đùi ở người già.
+ Không liền xương sau gãy cổ xương đùi, gãy khối mấu chuyển xương đùi.
+ U xương, lao xương…
-Thay khớp nhân tạo thường được chỉ định cho bệnh nhân trên 50 tuổi do tuổi thọ của khớp trung bình được 15  đến 20 năm. Tuy nhiên ngày nay do sự phát triển không ngừng của công nghệ chế tạo, chỉ định thay khớp háng ngày càng được mở rộng, ngưỡng tuổi ngày càng được hạ thấp.
– Có nhiều loại khớp háng nhân tạo ra đời và cũng có nhiều phương pháp mổ khác nhau. Nhìn chung khớp nhân tạo có thể phân thành các loại cơ bản là khớp háng có xi măng và khớp háng không xi măng. Có bệnh nhân khớp háng bán phần (chỉ thay chỏm xương đùi) và có bệnh nhân được thay khớp háng toàn phần (thay cả chỏm xương đùi và ổ cối) tùy theo mức độ bệnh và lứa tuổi.
– Khớp háng không có xi măng được phát triển thành nhiều loại nhỏ tùy thuộc vào bề mặt tiếp xúc và chịu lực của nó là: Kim loại – nhựa cao phân tử, gốm – gốm, kim loại – kim loại, khớp có cán vặn Spiron (dùng cho người trẻ tuổi)
Sau phẫu thuật người bệnh cần được hướng dẫn tập luyện càng sớm càng tốt, giúp phục hồi nhanh và giảm biến chứng.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Bệnh nhân được phẫu thuật ngày thứ mấy ?
1.2. Khám và lượng giá chức năng
– Vận động khớp háng bên chân phẫu thuật có xoay được trong ổ cối hay không.
– Chân phẫu thuật có bị đổ ngoài hay vào trong không.
– Mức độ đau, phù nề, dịch dẫn lưu sau phẫu thuật…
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:
Chụp XQ thường quy.
2. Chẩn đoán xác định
Thay khớp háng bán phần hay toàn phần.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
– Giảm đau, giảm phù nề.
– Gia tăng sức mạnh các nhóm cơ
– Tăng tầm vận động khớp háng
– Bảo vệ khớp háng mới
– Lấy lại hoạt động bình thường cho bệnh nhân
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng:
2.1. Ngày thứ 1 và 2 sau phẫu thuật
– Tập các bài tập vận động ở trên giường, thay đổi tư thế
– Khớp cổ chân: tập gấp duỗi và xoay khớp cổ chân, tập vài lần trong ngày, mỗi lần 5-10 phút. Bài tập được tiến hành bắt đầu sau khi phẫu thuật cho đến khi khỏi bệnh.
– Khớp gối: Bệnh nhân nằm ở tư thế 2 chân duỗi thẳng, mũi chân thẳng lên trần nhà, tập gấp duỗi gối bằng cách nâng khớp gối lên thụ động hoặc chủ động 20 động tác mỗi lần. Ngày khoảng 2 lần. Chú ý: không xoay khớp gối.
– Co cơ mông: bệnh nhân nằm ngửa, co cơ mông trong 5 giây sau đó nghỉ
5 giây, tập mỗi lần 10 động tác và ngày tập 5 lần.
– Tập khớp háng: tập khép và dạng khớp háng. Bệnh nhân nằm ngửa 2 chân duỗi thẳng, dạng khớp háng cả 2 chân (cả khép). Chú ý không xoay khớp háng vào trong và luôn để ở tư thế hơi xoay ngoài.
– Tập co cơ tĩnh: bệnh nhân nằm với gối thẳng, co cơ tĩnh cả 2 chân, mỗi lần co 5 giây rồi nghỉ 5 giây nâng, tập 10 động tác trong 1 lần và 10 lần/ngày. Nằm nâng chân lên khỏi mặt giường giữ trong 5-10 giây.
– Tập mạnh sức cơ tứ đầu đùi: bệnh nhân nằm thẳng đặt 1 gối dưới kheo chân, giữ cho khớp gối gấp khoảng 30o-40o. Giữ chặt đùi và đưa cẳng chân lên trên giữ trong khoảng 5 giây rồi từ từ đưa về vị trí cũ. Mỗi lần làm 10 động tác và 3-4 lần/ngày.
2.2. Từ ngày thứ 3-5 sau phẫu thuật
– Cho bệnh nhân ngồi dậy ở trên giường, tiếp tục tập các bài tập vận động ở trên giường: khớp gối, khớp háng.
– Đưa 2 chân ra khỏi thành giường, tập đung đưa 2 chân và tập tăng sức mạnh của cơ đùi. Bệnh nhân có thể tự di chuyển nhẹ nhàng ở trên giường.
2.3. Từ ngày 5 đến 4 tuần sau phẫu thuật
– Bệnh nhân tiếp tục các bài tập vận động khớp và tăng sức mạnh của cơ.
– Giai đoạn này có thể tập đứng và đi với nạng hoặc khung.
– Những lần đầu bệnh nhân có thể có người giữ sau đó tự đứng.
– Bệnh nhân đứng chịu trọng lực trên chân lành, 2 tay bám vào thành ghế. Nâng gối của chân kia lên giữ trong 2-3 giây sau đó đặt chân xuống. Động tác nữa là đứng chịu trọng lực trên chân lành giữ gối và háng bệnh trên 1 mặt phẳng rồi tập khép và dạng khớp háng bằng cách đưa chân vào trong và ra ngoài.
– Động tác tập gấp và duỗi khớp háng: đưa chân phẫu thuật ra trước và ra sau. Chú ý là không được gấp khớp háng trên 90 độ
– Tập đi bộ, tập lên xuống cầu thang
– Tập mạnh sức cơ tư thế đứng bằng cách kéo chân bằng dây chun.
2.4. Từ 4-6 tuần sau phẫu thuật
-Bệnh nhân đi bộ với nạng hoặc gậy, lần đầu đi khoảng 5-10 phút trong 1 lần và đi 3-4 lần/ngày. Những lần sau có thể đi 20-30 phút và 2-3 lần/ngày.
-Tập đạp xe đạp tại chỗ và tập tham gia các hoạt động hàng ngày: rửa bát, giặt giũ.
2.5. Từ 6-12 tuần sau phẫu thuật
– Bệnh nhân có thể tập đi bằng cách bỏ nạng
– Tập lái xe
2.6. Sau 12 tuần
– Bệnh nhân có thể trở lại công việc, lái xe, chạy, đánh golf..
* Những điều nên làm và không nên làm
– Không gấp khớp háng quá 90o và không xoay khớp háng vào trong.
– Không được ngồi xổm
– Không được ngồi trên ghế mà không có tay vịn
– Muốn đứng dậy từ ghế: đưa chân phẫu thuật ra trước sau đó từ từ đứng dậy
– Không được ngồi ghế hoặc toilet thấp.
– Không được xoay khớp gối khi đứng, ngồi, khi nằm và phải kê gối giữa 2 chân.
* Một số lưu ý khi thay khớp háng Spiron :
Khớp háng Spiron là loại khớp háng đặc biệt được dùng cho bệnh nhân trẻ ở độ tuổi < 60
Do đặc điểm khớp háng là cán vặn, không can thiệp đến xương đùi nên sau phẫu thuật bệnh nhân ít đau và có cảm giác phục hồi nhanh hơn.Nếu bệnh nhân vận động sớm hơn quy định thì có thể bị lỏng khớp, khi đó phải thay lại khớp háng mới. Vì vậy,ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc tập vận động đã nêu ở trên phải chú ý các điểm sau:
– Vận động lại từ ngày thứ 2 (hoặc thứ 3) sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.
– Trong vòng 06 tuần đầu tiên sau phẫu thuật phải đi lại bằng nạng và hạn chế vận động tối đa.
– Trong vòng 03 tháng sau phẫu thuật bệnh nhân phải hạn chế vận động và vận động nhẹ nhàng.
– Khi di chuyển bệnh nhân phải dồn trọng lượng cơ thể lên cánh tay, nạng và bên chân không phẫu thuật.
– 03 tháng sau phẫu thuật có thể vận động trở lại bình thường nhưng cần trành các tư thế, động tác, thói quen hay vận động nặng gây ảnh hưởng đến vùng khớp háng mới phẫu thuật.
3. Các điều trị khác
Thuốc điều trị:
– Kháng sinh
– Giảm đau chống viêm (paracetamol, NSAID…)
– Chống phù nề
– Chống huyết khối tĩnh mạch
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Tái khám sau 01 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau phẫu thuật.
Sau 1 năm khám lại.

Đời Sống-Gia Đình (VietBao VN)

Vui Cười (VietBao VN)

SƯU TẦM ĐỊA CHỈ ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN SỨC KHOẺ:

Tư vấn miễn phí:

* Điện thoại của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 hoặc chương trình Cửa sổ tình yêu (04) 3 8262625 để được tư vấn miễn phí.
* Phòng tư vấn sức khỏe sinh sản Bệnh viện Từ Dũ TPHCM với các chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước, trong và sau sinh miễn phí dành cho các ông bố, bà mẹ: điện thoại (08) 3 8395117 (số nội bộ 368).
* Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng tại Bình Định: (có tư vấn về phòng chống HIV/AIDS): Địa chỉ liên hệ với Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng: 419 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn vào tất cả các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). ĐT: (056): 3 811 466. Trung tâm tư vấn HIV/AIDS miễn phí tại: + Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng - Bệnh viện Lao: ĐT (056) 3 748 922; + Phòng khám số 3 (936- 938 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn: ĐT (056): 3 792 476.
* Phòng tư vấn sức khỏe miển phí tại Trung tâm Y tế Quận 1 TP.HCM với trên 20 bác sĩ thuộc các chuyên khoa tham gia tham vấn sức khỏe trực tiếp hoặc qua điện thoại số (08) 3 8206544.
* Chương trình VTV1 "Sức khoẻ là vàng", phát sóng vào 18h ngày Chủ nhật và phát lại vào 15h Thứ 4 tuần kế tiếp: Số điện thoại nóng của chương trình là 1900561225.
* Chương trình VTV2 “Sức khoẻ cho mọi người”, phát sóng vào 17h30 ngày Thứ 3 hàng tuần và phát lại vào 12h trưa hôm sau.
* Trung tâm tư vấn ung thư Can Hope (Singapore) tại Hà Nội: 04. 3 7472729 / 04. 3 7472730
* Khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống là chương trình do BV Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) thực hiện vào lúc 13g30 thứ sáu hằng tuần.
Bệnh nhân có nhu cầu đăng ký qua số ĐT: 39234332 (xin số 895).


Khác:

* Bệnh nhân nam giới có nhu cầu khám và tư vấn các bệnh lý Nam khoa, vui lòng đăng ký tại BVĐH Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P11, Q5.:
1. Phòng khám Nam khoa. Điện thoại: (08) 3 8554269 (số 265) 2. Bộ phận chăm sóc khách hàng. Điện thoại: (08) 3 4051010- 3 4051212

*Ttư vấn “Bệnh loét dạ dày-tá tràng” liên hệ Phòng khám tiêu hóa - bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, xin vui lòng đăng ký qua số điện thoại: 08. 3 4051010, 3 4051212, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, bộ phận Chăm sóc khách hàng.

* Câu lạc bộ phòng chống Hen Hà nội, Hội Hen DU & MDLS Việt nam 04.3 9438933

* Các địa chỉ khác tại: http://shelove.biz/thong-tin-tu-van

* Tham khảo chữa rắn cắn: Địa chỉ liên hệ của ông Tần: Lê Văn Tần - xóm 6 xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Điện thoại: 0972.901.089.

Người theo dõi