GD&TĐ - Thoái hóa khớp, viêm khớp… là bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Những ai mắc bệnh này mới thấu hiểu được nỗi khổ của việc có chân mà không thể đi lại hoặc nhẹ hơn là mỗi lần di chuyển như một lần tra tấn.
Trước kia, bệnh nhân mắc bệnh này chấp nhận “sống chung với lũ” còn hiện nay khoa học phát triển mở ra nhiều cơ hội, giúp người tưởng gắn phần đời còn lại với chiếc giường có thể đi lại dễ dàng.
Kết quả bất ngờ
Bệnh nhân đau khớp từng qua phẫu thuật nay bệnh tái phát trở lại dường như cầm chắc việc làm bạn với chiếc xe lăn, chiếc giường cùng những cơn đau hành hạ suốt đời. Tuy nhiên, một người từng sống trong đau đớn nay đứng lên đi lại khiến bản thân bệnh nhân, người nhà và cả bác sĩ phải ngỡ ngàng.
Đó là trường hợp bà L.T.M (50 tuổi, Hà Nội). Bà làm bạn với căn bệnh đau khớp đã lâu. Bà từng phẫu thuật thay khớp gối bán phần nhưng theo bà thì việc đi lại sau đó không thực sự thoải mái, đặc biệt là công cuộc phục hồi chức năng sau mổ là quãng thời gian bà không muốn nhớ tới.
Cứ ngỡ, mọi đau đớn trải qua sẽ được đền bù nhưng không lâu sau, căn bệnh tái phát trở lại. Nhập viện lần này, bà xác định tinh thần không thể chữa trị nhưng không ngờ, kỹ thuật phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bạch Mai đem lại điều kỳ diệu mà bà không bao giờ nghĩ tới.
Theo bà L.T.M, 2 giờ sau khi phẫu thuật, bà đã xuống giường và 2 ngày sau có thể đi lại mà không có cảm giác khó chịu ở gối.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyến (Thạch Thất, Hà Nội) mắc bệnh nhiều năm, từng chữa nhiều nơi nhưng chỉ giảm đau chứ không khỏi hẳn.
Những ngày gần đây, cơn đau hành hạ khiến bà phải ngồi một chỗ cũng không yên. Mong muốn khỏi bệnh để đi lại bình thường, gia đình đưa bà vào Bệnh viện Xanh Pôn.
Kết quả xét nghiệm X quang cho thấy cả 2 khớp gối đều thoái hóa, các biện pháp chữa giảm đau cũng như bảo tồn không hiệu quả. Thay khớp gối là biện pháp cuối cùng được bác sĩ tính đến.
Theo bác sĩ Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn: Bệnh nhân được thay từng khớp một. Kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với khớp mới nên thay vì ngồi xe lăn, bệnh nhân có thể đi lại, không bị cơn đau hành hạ.
Chia sẻ với mọi người, bà Tuyến cho biết như vừa trút được gánh nặng trăm cân ở đầu gối. Một trường hợp khác là cậu bé 5 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau đầu, quấy khóc, được chẩn đoán bị giãn não thất.
Thay vì chờ xếp lịch mổ, bệnh nhi được hệ thống phẫu thuật bằng robot của Bệnh viện Bạch Mai can thiệp. Sau 2 giờ phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi hồi phục tốt…
Kỹ thuật mới
Phẫu thuật bằng robot được nhiều nước áp dụng nhưng ở nước ta còn hạn chế. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống phẫu thuật robot Mako và Rosa lần đầu tiên được ứng dụng ở nước ta để thực hiện ca phẫu thuật phức tạp, đặc biệt là can thiệp ngoại khoa đòi hỏi sự chính xác đến từng mm.
Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Thế Hào khẳng định: Các phẫu thuật viên robot có khả năng định vị chính xác được tổn thương, đặc biệt ở các vị trí khó, nhỏ mà bác sĩ không nhìn thấy được.
Robot cũng thực hiện can thiệp một cách tinh tế nhất, giúp “hàn gắn” các vết thương mà không làm tổn hại đến các khu vực xung quanh, mất máu ít và giảm tối đa đau đớn cho bệnh nhân.
Nhờ đó, sử dụng robot có thể phẫu thuật não được cho các bệnh nhân nhỏ 2 - 3 tuổi, nhẹ cân. Đây là điều mà các bác sĩ phẫu thuật ít dám mạo hiểm.
Thay khớp gối là kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ bác sĩ cũng như nhiều yêu cầu với bệnh nhân. Nhưng nay, kỹ thuật này được áp dụng ở nhiều nơi nhờ sự sáng tạo của ê kíp.
Bệnh viện Xanh Pôn từng phẫu thuật thay khớp gối thành công cho bệnh nhân trên 100 tuổi. Gần đây, bệnh nhân 50 tuổi từng thay khớp háng và nay lại bị hoại tử vô mạch lồi cầu đùi có chỉ định thay khớp gối.
Hoại tử vô mạch vùng khớp gối là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hóa nặng gây tàn phế nếu không điều trị sớm. Đây là bệnh lý hiếm gặp ở bệnh nhân tuổi 50 (3,4%) nhưng ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Xanh Pôn tự tin phẫu thuật cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân đã đi lại được, hết đau. (Theo giaoducthoidai.vn)