Google

20/10/2009

VIÊN BỔ KHỚP HYALOB (Tham khảo thuốc)

* Tăng sinh sụn * Tăng dịch khớp * Tăng độ nhầy dịch khớp * Chống co cơ giúp vận động dễ dàng hơn.
Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên và người có tuổi, do hậu quả của quá trình tích tuổi và sự chịu lực tác động thường xuyên lên khớp. Ngoài ra có thể do yếu tố di truyển, nội tiết hay chuyển hoá. Ở Mỹ: 80% người trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp.
Vị trí các khớp thường bị thoái hóa: Cột sống thắt lưng chiếm: 38%; Cột sống cổ: 14%; Gối: 14%; Háng: 8%; Các ngón tay: 5 %; Các khớp khác: 21 %.
Thoái hóa khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ làm chậm phát triển của bệnh, giảm đau đớn và duy trì hoạt động bình thường.
Nguyên nhân: Thoái hóa khớp là bệnh của toàn bộ các thành phần cấu tạo khớp như sụn khớp, xương dưới sụn, bao hoạt tích, bao khớp... Đây là tình trạng xảy ra do sự mất cân đối giữa sự tái tạo và sự thoái hóa sụn, là một bệnh lý phức tạp diễn tiến 2 quá trình song song.. Một là sụn thoái hóa phá hủy dần sụn khớp phủ trên bề mặt xương cùng với thay đổi cấu trúc khớp.. Và hai là hiện tượng viêm những tổ chức quanh khớp. Các biểu hiện bệnh lý lâm sàng:- Đau: Đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau tại chỗ ít khi lan (ngoại trừ ở cột sống khi có chèn ép rễ và dây thần kinh). Đau âm ỉ, có thể có cơn đau cấp. Đau thường xuất hiện và tăng khi vận động hay thay đổi tư thế. Thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm dần và hết, sau đó lại xuất hiện đợt khác. Đau nhiều có co cơ phản ứng.- Hạn chế vận động: Các động tác của khớp bị thoái hóa bị hạn chế, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế một số động tác.Biến dạng: Không biến dạng nhiều như ở các bệnh khớp khác (viêm khớp, goutte). Biến dạng ở đây do các gai xương mọc thêm ở đầu xương; ở cột sống biến dạng hình thức gù, vẹo, cong, lõm…Các dấu hiệu khác: Teo cơ, tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp...
- Điều trị: Trong nhiều thập niên qua, việc điều trị viêm khớp chủ yếu là dùng các thuốc kháng viêm giảm đau (NSAID) nhằm mục đích giảm các triệu chứng đau và hạn chế vận động khớp viêm cho người bệnh. Tuy nhiên những thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ đặc biệt trên đường tiêu hoá ví dụ như chảy máu dạ dày… và thường không cải thiện được tình trạng bệnh lý của sụn khớp bị hư hỏng. Vì vậy tác dụng của nhóm thuốc này chủ yếu chỉ nhằm giảm bớt hiện tượng viêm và cắt cơn đau.
Gần đây, người ta đã tìm ra một số loại thuốc tương tác lên bệnh lý của sụn khớp một cách hiệu quả, trong đó có Glucosamine. Thực tế lâm sàng cho thấy nó mang lại nhiều ưu điểm trong điều trị hơn hẳn NSAID.
Ưu điểm lớn nhất ghi nhận được đến nay là có rất ít tác dụng phụ khi sử dụng Glucosamine sulfate. Một vài trường hợp dị ứng không đáng kể đối với người có cơ địa quá mẫn cảm với thuốc.
Trước đây Glucosamine được xếp vào nhóm thuốc bảo vệ sụn (gồm có Glucosamine sulfate, Chondroitin sulfate và Diacerin) hay thuốc tác dụng chậm với các bệnh viêm khớp.
Hiện nay nó được cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMEA) chấp nhận đưa vào danh mục thuốc giúp cải thiện cấu trúc trong bệnh viêm khớp. Các loại khác chưa được chấp nhận vì không đáp ứng được các yêu cầu thực nghiệm lâm sàng.
Ðã có rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm so sánh Glucosamine với các loại thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid (NSAID), cho kết luận như sau:
1. Cải thiện triệu chứng viêm khớp như đau, tầm độ khớp: Glucosamine tương đương với NSAID trong thời gian ngắn và vượt trội hơn hẳn nếu uống thuốc thời gian càng dài.2. Tính an toàn: Glucosamine vượt trội hơn hẳn với các loại NSAID (NSAID luôn luôn có rất nhiều tác dụng phụ như rối loạn tiêu hoá, chảy máu dạ dày, phù mặt, suy thận…). Trong khi đó rất ít tác dụng phụ được ghi nhận khi sử dụng Glucosamine, một số ít trường hợp rối loạn tiêu hoá nhẹ ở những người quá nhạy cảm với tác nhận gây dị ứng.3. Phối hợp Glucosamine và NSAID cho kết quả tốt hơn khi dùng đơn độc NSAID trong thời gian ngắn (5-7 ngày). Sau đó ngưng NSAID, tiếp tục sử dụng Glucosamine thì khả năng cải thiện vẫn tiếp tục được duy trì theo kiểu tuyến tính.4. Dùng NSAID, những ích lợi giảm triệu chứng cho bệnh nhân sẽ nhanh chóng mất đi ngay sau khi ngưng thuốc. Ngược lại, ngưng uống Glucosamine tác dụng cải thiện vẫn tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng sau đó.5. Với những bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị dùng Glucosamine càng dài thì lợi ích kinh tế càng lớn vì tính an toàn và hiệu quả của nó càng được phát huy.
HYALOB là một sản phẩm của tập đoàn EARTH’S CREATION (Hoa Kỳ) phối hợp bốn thành phần gồm có: Glucosamine; Chondroitin; MSM (Methyl Sulfonyl Methane) và Hyaluronic axit.
Ngoài Glucosamine như đã nói ở trên, HYALOB còn có 3 thành phần quan trọng khác như sau:* Chondroitin: có tác dụng tăng tính đàn hồi của sụn, tăng cường nuôi dưỡng sụn đồng thời phục hồi và duy trì dịch ổ khớp. * MSM: chống lại hiện tượng co cứng cơ, giúp khớp cử động dễ dàng hơn, đồng thời tăng cường máu đến nuôi dưỡng khớp.* Hyaluronic axit: có vai trò làm tăng độ nhớt của dịch ổ khớp và tạo lớp màng mỏng bao bọc bề mặt sụn để tăng nuôi dưỡng và bảo vệ sụn.
Hyalob được sử dụng để khôi phục lại sụn khớp bị tổn thương trong các bệnh khớp có tổn thương sụn như: Thoái hoá khớp, thấp khớp,viêm khớp, hư khớp chấn thương khớp, gút…Nhờ sự phối hợp độc đáo cả 4 thành phần trên, HYALOB thực sự rất hiệu quả trong điều trị và dự phòng các bệnh trên. Hiệu quả giảm đau thường bắt đầu sau 10 ngày sử dụng. Khi đau nhiểu, bệnh nhân nên kết hợp Hyalob với một thuốc giảm đau (NSAID) ví dụ như Meloxicam, Piroxicam… trong một tuần đầu tiên, sau đó tiếp tục sử dụng Hyalob thêm 3-5 tuần nữa thì sẽ cho kết quả cao nhất. Trường hợp đau ít thì bệnh nhân nê sử dụng Hyalob đơn thuần để tránh tác dụng phụ của nhóm thuốc NSAIDTheo lời khuyên của Bác Sỹ, bệnh nhân nên sử dụng trong ít nhất 4-6 tuần mỗi đợt, với liều thông thường là 2 viên chia hai lần/ ngày. Mỗi năm bốn đợt, hoặc theo chỉ dẫn của Bác sỹ.
Ngoài ra, HYALOB còn được chỉ định cho các bệnh khớp có tổn thương sụn khác như Viêm khớp, thấp khớp, hư khớp, chấn thương khớp hay gút.
HYALOB được các Bác Sỹ ưa dùng vì nó giải quyết tận gốc những tổn thương của khớp và giải quyết được hầu hết những triệu chứng cho bệnh nhân và không có tác dụng phụ trên đượng tiêu hoá, không gây chảy máu dạ dày.
HYALOB được sản xuất tại Hoa Kỳ, tuân theo các quy định cao nhất của FDA ( cơ quan quản lý dược và Mỹ phẩm của Hoa Kỳ).
Tiến Sỹ, Bác Sỹ Phạm Hồng Huệ - Trưởng khoa Cơ-Xương-Khớp BV Hữu Nghị (Theo Webyte.vn )

29/07/2009

Tập huấn kỹ thuật CBR cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam

Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Bình Định có hơn 70,000 người người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, chiếm tỷ lệ khoảng 4% dân số. Tỷ lệ này càng cao ở những vùng nghèo và các địa phương mà chiến tranh ác liệt đã từng xảy ra, chẳng hạn vùng huyện Sa Thầy của Kon Tum và Phù Cát, Bình Định.
Với sự nỗ lực và sáng kiến của Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội và UBND hai tỉnh nói trên, dự án cải thiện tình trạng sức khoẻ và kinh tế-xã hội cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Kon Tum và Bình Định đã được triển khai từ năm 2008. Dự án được thực hiện với sự đồng tài trợ của Quỹ Ford và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH). Mục tiêu của dự án không chỉ nâng cao sức khoẻ, điều kiện sống cho người khuyết tật mà còn nâng cao năng lực cho người khuyết tật để họ hoà nhập tốt hơn vào đời sống xã hội.
Trong năm đầu, dự án tập trung triển khai các hoạt động chính như: khảo sát dữ liệu về người khuyết tật trong địa bàn toàn tỉnh, xây dựng hồ sơ đối tượng, hỗ trợ xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ người khuyết tật của tỉnh (theo Quyết định 239/QĐ-Ttg), xây dựng mạng lưới cộng tác viên, xây dựng và nâng cấp các trung tâm phục hồi chức năng, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, xây dựng các tổ chức người khuyết tật, đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và gia đình,… Các hoạt động của dự án được lập kế hoạch và triển khai theo cách tiếp cận đáp ứng nhu cầu, từ dưới lên và theo hướng bền vững.
Ảnh: Các học viên đang thực hành (Ảnh VNAH)
Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án, các đối tác chính (Các Sở Lao động-TBXH, Trung tâm bảo trợ xã hội và UBND các huyện) đã tổ chức tập huấn “kỹ thuật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (CBR) cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam”. Đợt đầu của khoá tập huấn được tổ chức từ ngày 15-18/4/2009 tại Bình Định và 24-27/7/2009 tại Kon Tum với sự tham gia của các đối tác chính, các tổ thực hiện dự án và mạng lưới cộng tác viên tại địa bàn dự án. Khoá tập huấn được hướng dẫn bởi các chuyên gia, bác sỹ của VNAH và Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn. Khóa tập huấn chủ yếu tập trung vào các kỹ thuật tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, các bài tập vận động, phương pháp hướng dẫn tập tại nhà, chăm sóc tại cộng đồng, các dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật và giáo dục hòa nhập. Trong khóa tập huấn này, ngoài phần lý thuyết cơ bản và các video, phim, tài liệu trực quan sinh động các bác sỹ hướng dẫn chú trọng nhiều vào các bài tập thực tế và thực hành trên bệnh nhân.
Sau khoá tập huấn, các cộng tác viên của dự án sẽ bắt tay ngay vào triển khai các hoạt động chuyên môn về y tế (phục hồi chức năng) và kinh tế - xã hội (cải thiện điều kiện sinh hoạt, giáo dục, việc làm và sinh kế cho người khuyết tật và gia đình) với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ VNAH và đơn vị tư vấn chuyên môn y tế. Sau một thời gian triển khai, khóa tập huấn nâng cao sẽ được tổ chức. Đồng thời, kết hợp với các chuyến đi ngoại viện, các bác sỹ chuyên khoa, các chuyên gia sẽ hỗ trợ thêm cho đội ngũ cộng tác viên thực hiện các hoạt động tại địa phương.
Với sự chủ động thực hiện của chính quyền địa phương, các đối tác chính, các ban ngành liên quan, mọi người đều tin tưởng dự án này sẽ thành công tốt đẹp, góp phần giúp người khuyết tật vànạn nhân chất độc da cam vượt qua những khó khăn, hoà nhập tốt hơn vào xã hội.
BS. Trần Duy Khoa - Điều phối viên dự án, VNAH (Theo PWD)

21/07/2009

Nắn lại xương sống lệch gần 60 độ

Koryn McFadden tươi tắn đứng trước hiên nhà. Khó ai biết cô vừa trải qua ca phẫu thuật dài 8 tiếng để chỉnh lại một đoạn xương sống bị cong đến mức nó đẩy tim của cô sang nửa kia của lồng ngực.
Koryn McFadden, 18 tuổi (người Anh), đã nhiều năm mắc chứng vẹo cột sống - căn bệnh khiến xương sống của cô lệch đi 58,6 độ sang trái. Cô gái được phát hiện bệnh 2 năm rưỡi trước, sau một tai nạn xe hơi.
Nhưng hai tháng trước, phim X quang cho thấy tình trạng đã nặng đến mức tim của cô bị lệch sang phải đến hơn 7 cm.
Koryn McFadden giờ đã có thể đứng thẳng sau ca phẫu thuật nắn lại đoạn xương bị cong vẹo đến gần 60 độ. Ảnh: DailyMail.
Các bác sĩ đã yêu cầu cô gái phẫu thuật ngay để chỉnh lại đoạn xương cong, trước khi nó đè lên cơ tim, gây chèn ép các mạch máu chính. Một tháng sau đó, lần chụp tiếp theo cho thấy trái tim "quả lắc" của Koryn đã dời về lồng ngực bên trái, cho phép bác sĩ cơ hội để tiến hành phẫu thuật ngay.
Trong ca mổ ngày 17/6 vừa qua, các bác sĩ đã chèn thành công hai thanh titan dài 40 cm và 10 chiếc đinh gim kim loại vào cột sống của cô gái. Ca phẫu thuật cũng khiến Koryn cao thêm 2 cm.
"Tôi cảm thấy như mình cao thêm vài phân, và bạn bè đều thích thân mình mới của tôi. Họ nói trông tôi bảnh bao hơn nhiều", cô gái vui vẻ nói về bước ngoặt của đời mình.
Koryn cũng cảm thấy phục hồi rất nhanh và có thể quay trở lại công việc là một y tá tập sự trong 3 tháng tới. Trước ca phẫu thuật này, cô thường xuyên đau đớn và phải nằm trên giường bệnh.
T. An (theo DailyMail) (Theo VNEXPRESS)

08/07/2009

Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam

Ngày 26-6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có Thư gửi cán bộ, nhân viên ngành y tế và toàn thể nhân dân nhân Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1-7-2009). Toàn văn bức thư như sau:
Ngày 1-7 năm nay Luật Bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Ngày này cũng được chọn là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam và năm nay là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chính sách quan trọng này theo luật, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tham gia thực hiện Luật Bảo hiểm y tế không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người không may ốm đau, bệnh tật của tất cả mọi công dân. Với những người thuộc diện chính sách, khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và các hộ nghèo, Nhà nước và toàn xã hội cần tích cực hỗ trợ, sao cho người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng nhiều, quyền lợi ngày càng được mở rộng. Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7-2009), tôi kêu gọi nhân dân cùng toàn thể cán bộ, nhân viên y tế cả nước tích cực tham gia và thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, nhất là các đơn vị quản lý bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn và quy định của Luật Bảo hiểm y tế, nâng cao y đức và chất lượng phục vụ người bệnh... Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể quản lý và triển khai hiệu quả các hoạt động cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, đảm bảo chủ đề của Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam năm 2009 là "Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh" trở thành thực tiễn trong cuộc sống.
Thân ái! Theo QĐND

24/06/2009

THÔNG BÁO: MỜI THẦU THI CÔNG XÂY LẮP - THÔNG BÁO MỜI THẦU GIÁM SÁT THI CÔNG DỰ ÁN TRUNG TÂM CHỈNH HÌNH & PHCN QUI NHƠN

GÓI THẦU THỨ 1:
- Tên bên mời thầu: Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn .............................
- Tên gói thầu: (Xây lắp) Khối Hành chính - Điều trị - Sản xuất và các công trình kỹ thuật hạ tầng (gói thầu có 2 lô)
- Tên dự án: Dự án Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn.
- Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước.
- Hình thức đấu thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước.
- Thời gian bán HSMT từ 08 giờ, ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến trước 08 giờ, ngày 20 tháng 7 năm 2009 (trong giờ hành chính)
- Địa điểm bán HSMT: Tại văn phòng Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn số 580 Nguyễn Thái Học, Qui nhơn, Bình Định.
- Gía bán 1 bộ HSMT: 1.000.000 đồng (Một triệu đồng).
- Địa chỉ nhận HSDT: Tại văn phòng Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn số 580 Nguyễn Thái Học, Qui nhơn, Bình Định.
- Thời điểm đóng thầu: 08 giờ, ngày 20 tháng 7 năm 2009.
- Bảo đảm dự thầu: Giá trị bảo đảm dự thầu lô 1: 300.000.000 đồng, lô 2: 200.000.000 đồng, Tổng số bảo đảm dự thầu cả 2 lô là 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng), bằng VNĐ, hình thức bảo đảm: bão lãnh của Ngân hàng.
HSDT sẽ được mở công khai vào 08 giờ 30 (giờ Việt Nam), ngày 20 tháng .7 năm 2009, tại Tại văn phòng Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn số 580 Nguyễn Thái Học, Qui nhơn, Bình Định.
Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn kính mời đại diện của các nhà thầu nộp HSDT tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

GÓI THẦU THỨ 2:
- Tên bên mời thầu: Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn .
- Tên gói thầu: Tư vấn Giám sát thi công xây lắp (Thông báo mời thầu ngay và không áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách nhà thầu mời tham gia đấu thầu)
- Tên dự án: Dự án Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn.
- Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước.
- Hình thức đấu thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước (02 túi hồ sơ).
- Thời gian bán HSMT từ 08 giờ, ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến trước 08 giờ, ngày 16 tháng 7 năm 2009 (trong giờ hành chính)
- Địa điểm bán HSMT: Tại văn phòng Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn số 580 Nguyễn Thái Học, Qui nhơn, Bình Định.
- Gía bán 1 bộ HSMT: 1.000.000 đồng (Một triệu đồng).
- Địa chỉ nhận HSDT: Tại văn phòng Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn số 580 Nguyễn Thái Học, Qui nhơn, Bình Định.
- Thời điểm đóng thầu: 08 giờ, ngày 16 tháng 7 năm 2009.
- Bảo đảm dự thầu: Không.
HSDT sẽ được mở công khai vào 08 giờ 30 (giờ Việt Nam), ngày 16 tháng .7 năm 2009, tại Tại văn phòng Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn số 580 Nguyễn Thái Học, Qui nhơn, Bình Định.Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Qui Nhơn kính mời đại diện của các nhà thầu nộp HSDT tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.
(Xem Thông báo mời thầu thi công xây lắp và mời thầu giám sát thi công xây lắp đăng trên Báo Đấu thầu ) TNH.

16/04/2009

Điều trị gãy xương đùi ở trẻ em và các biện pháp phục hồi

Hiện nay gia đình tôi đang có cháu nhỏ 2,5 tuổi bị gã gẫy xương đùi, cháu đã được các bác sĩ ở bênh viện nhi Hải Phòng điều trị bó bột cho cháu trong 02 tháng cháu đã bỏ bột được 5 ngày và xuất viện về nhà. Khi xuất viện gia đình có chụp lại XQuang cho cháu nhưng thấy vết gẫy của cháu, theo như các bác sĩ có trả lời hai xương đã bò vào nhau trẻ nhỏ sau 2 năm là tự can xi nó sẽ ăn vào nhau bình thương. Xin hỏi các bác sĩ nên điều trị cho cháu cách nào tốt nhất để cháu đi lại được bình thường như cũ. Gia đình xin cảm ơn và rảt mong được các bác sĩ quan tâm trả lời giúp đỡ cháu trong thơìi gian sớm! (Mai Tuyết Nhung)

Trả lời:
Thông thường, các loại gãy xương ở trẻ em, trong đó có cả gãy thân xương đùi, đều có thể chữa khỏi bằng cách nắn chỉnh bó bột. Tuy nhiên, điều trị không mổ đối với gãy thân xương đùi ở trẻ em cũng khó khăn tương tự như người lớn vì:
Khó nắn chỉnh được các đầu gãy, mảnh gãy của xương về đúng vị trí giải phẫu ban đầu do xương đùi to, có nhiều cơ lớn khỏe bám vào và co kéo. Nếu có nắn được tương đối hoàn hảo thì cũng dễ bị di lệch thứ phát trong bột, do bột không thể cố định vững chắc suốt thời gian dài để cho xương liền vững
- Thời gian liền ổ gãy thân xương đùi ở trẻ em cũng tương đối dài, từ 1,5 đến 2,5 tháng. Trong thời gian mang bột dài như thế, dễ xảy ra loét các điểm tì, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, gây hạn chế hầu hết các sinh hoạt cá nhân của các cháu.
- Khi xương liền vững, bệnh nhân tập vận động tích cực, song vẫn có tỷ lệ cao bị teo cơ, cứng khớp, ngắn chi, ảnh hưởng tới sức khỏe, thẩm mỹ của các cháu sau này.
Phương pháp điều trị gãy xương đùi bằng phẫu thuật có thể khắc phục được những nhược điểm trên của bó bột. Vì vậy, trước đây chỉ định mổ kết hợp xương đùi chỉ cho trẻ từ 12 tuổi, nay đã được hạ xuống mức 5 tuổi trở lên. Điều kiện để mổ kết xương đùi ở trẻ em là:
- Đã nắn chỉnh tích cực, đúng kỹ thuật, nhưng không đạt yêu cầu về giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ.
- Cơ sở điều trị có điều kiện gây mê nội khí quản, hồi sức tốt, phẫu thuật viên chuyên khoa có kinh nghiệm, có đầy đủ dụng cụ phương tiện kết xương nẹp vít của AO.
- Bố mẹ các cháu tình nguyện xin mổ, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình nếu một khi tai biến phẫu thuật xảy ra.
Phẫu thuật kết hợp xương cũng có hạn chế như:
- Tỷ lệ nhiễm trùng từ 0,5 đến 5%.
- Phải mổ lại để lấy bỏ nẹp vít ra khi xương đã liền tốt
- Giá thành điều trị cao so với thu nhập của đa số người dân, tối thiểu là khoảng 4 triệu đồng.
Các cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình như bệnh viện tỉnh, bệnh viện quân khu - quân đoàn của quân đội đều có thể phẫu thuật được loại gãy xương này. Nếu có điều kiện, bạn đưa cháu về Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội để điều trị.
Hậu quả do gãy xương
Khi xương tay, chân bị gãy, có những trường hợp bị giập, như vậy không chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ nẹp đinh trong xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập. Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Thậm chí có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện... đây là biểu hiện hay gặp ở người già. Vì vậy sau mổ, phải bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Những biện pháp phục hồi bao gồm
Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 - 15 phút, ngày 4 - 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.
Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.
Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau. Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. Đưa 2 nạng ra trước 10 - 30cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.
Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.
Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.
Khi bị chấn thương, để chóng lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu. Nếu có điều kiện, bạn đưa cháu về Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội để điều trị.
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Chúc bạn và gia đình sức khoẻ
“Từ điển Y Dược trực tuyến” http://www.thuocbietduoc.com.vn
D.H.T (Theo VNMedia)
* BN ở miền Trung có thể thảo khảo ý kiến về phẫu thuật , điều trị gãy xương đùi tại Trung tâm Chỉnh hình & PHCN Qui Nhơn - 580 Nguyễn Thái Học, Qui Nhơn, Bình Định, ĐT 056. 3846513.

07/04/2009

Trẻ trật khớp háng dễ bị chẩn đoán nhầm

Tuần nào khoa chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương cũng phải mổ cho 2-3 ca trật khớp háng bẩm sinh. Do hiểu biết của bệnh nhân còn hạn chế và số cơ sở y tế có thể chữa bệnh này rất ít nên trẻ thường gặp phải nhiều phiền toái vì chữa muộn.
Gia đình cháu Ánh Ngọc, 2 tuổi rưỡi ở phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh phát hiện ra con có vấn đề khi Ngọc bắt đầu biết đi, lúc 14 tháng tuổi. Thấy con đi lệch hẳn người, bố mẹ đưa Ngọc đi khám ở bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán là bị lệch xương, phải tập phục hồi chức năng.
Từ đó, suốt 1 tháng, cứ ngày hai lần bố cháu phải đưa con vào viện tập nhưng chẳng thấy cải thiện. Gia đình lại đưa cháu đến Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh chữa thêm một tháng nữa nhưng tình trạng vẫn như cũ. Lúc này, mẹ cháu mang bầu đứa con thứ hai nên cả nhà quyết định tạm gác việc chữa bệnh cho Ngọc để chăm sóc mẹ và em bé.
Đến tuần vừa rồi, Ngọc mới được đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương khám và phát hiện bị trật khớp háng bẩm sinh. "Nghe bác sĩ nói nếu chữa sớm thì đơn giản và cháu sẽ đỡ đau nhiều, còn giờ bắt buộc phải mổ cắt xương, tôi thấy ân hận và thương con quá", bố Ngọc chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, trưởng khoa chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, đa số trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh thường được phát hiện muộn dẫn đến điều trị không kịp thời. Một số cơ sở khám chữa bệnh không đúng chuyên môn còn hay chẩn đoán nhầm bệnh này là liệt gân cơ, co cứng gân cơ, bại liệt, lệch xương… dẫn đến điều trị không hiệu quả, kéo dài thời gian, bỏ qua giai đoạn ban đầu, làm bệnh thêm phức tạp.
Như trường hợp cháu Thành ở Thanh Hóa là ví dụ. Bố mẹ Thành khi thấy con đi không bình thường đã đưa cháu đến khám ở một phòng mạch tư và theo bác sĩ hướng dẫn tập nắn chỉnh hình. Thế nhưng sau 3, 4 năm, cháu vẫn không khỏi. Lúc này, bác sĩ nọ quay ra phán: "Ở Việt Nam hiện nay chưa chữa được bệnh này đâu, muốn chữa thì phải đi Singapore".
Kinh tế khó khăn, không thể đưa con đi nước ngoài chữa bệnh, bố mẹ Thành mới đưa cháu đến khoa chỉnh hình Bệnh viện Nhi trung ương và biết được bệnh của con hoàn toàn có thể chữa khỏi tại đây, có điều vì cháu đã lớn nên việc phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.
Theo Phó giáo sư Hưng, bệnh này chủ yếu gặp ở các cháu gái, tỷ lệ thường thấy bên trái, hoặc cả hai bên. Các bậc phụ huynh có thể phát hiện sớm bệnh cho con dựa vào những dấu hiệu như: Thay tã cho bé khó vì hai đùi trẻ thường khép lại. Nếp bẹn bên trật khớp thường dài hơn bên lành, nếp lằn mông bên đó cũng thấp hơn. Đặc biệt, khi sốc nách nhìn từ phía sau sẽ thấy đùi bên có bệnh co gấp hơn.
Bệnh này có thể thấy ngay qua chụp Xquang và siêu âm. Hiện nay, siêu âm trong thai cũng có thể phát hiện được bệnh.
Phó giáo sư Hưng khuyến cáo, khi bố mẹ phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như dáng đi không bình thường, đùi và hông hai bên lệch nhau... thì cần đưa ngay đến cơ sở có chuyên khoa chỉnh hình nhi để được điều trị càng sớm càng tốt, nếu phải can thiệp bằng phẫu thuật cũng đơn giản hơn. Trong nhiều năm nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã mổ rất nhiều trường hợp bị bệnh này và có kết quả tốt.
Ngay sau khi sinh, nếu trẻ bị bệnh có thể điều trị bằng mang nẹp hoặc dụng cụ. Sau 3 tháng nếu kết quả hạn chế thì bé sẽ được phẫu thuật kết hợp, có thể là cắt hoặc chuyển một số gân cơ, rồi bó bột cố định trong khoảng 6-8 tuần. Nhưng từ 6 tháng trở lên, trẻ sẽ được chỉ định can thiệp vào xương, nếu phức tạp. Sau 9 tháng thì chắc chắn phải can thiệp vào xương chậu, tạo lại ổ cối (khoang chứa chỏm xương đùi).
Nếu để lâu nữa, khoảng 24 tháng trở lên, bác sĩ phải cắt xương đùi, tạo lại góc cổ và thân xương đùi cho trẻ. Đây là phẫu thuật rất nặng nề, thường gây chảy máu và tốn kém.
"Để càng lâu, bệnh ngày càng nặng, mổ càng khó, thời gian bình phục dài, trẻ đau đớn hơn nhiều. Nếu không chữa kịp thời bệnh có thể gây những biến dạng kéo theo như biến dạng cột sống, lệch vẹo xương chậu... ở trẻ", bác sĩ Hưng cảnh báo.
Minh Thùy (Theo VnExpress)

31/03/2009

Cần cảnh giác với máy đo loãng xương

Hiện nay, nhiều người đổ xô đi đo độ loãng xương mà không chú ý đến độ tin cậy của máy móc. Giáo sư Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp cảnh báo về hiện tượng này.
Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương, giảm khối lượng xương trong cơ thể, làm cho xương giòn, dễ gãy. Xương thường gãy ở các vị trí quan trọng như cổ xương đùi cổ tay, xương chậu, xương sống... làm biến dạng cột sống, vẹo đốt sống, còng, gù, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thậm chí dẫn đến tử vong nếu nằm lâu ngày mà sinh bệnh ở phổi, tim mạch, tiêu hóa.
Các hình thức đo loãng xương "thương mại" (thu phí ít hoặc miễn phí) bằng máy siêu âm ở một số cơ sở y tế, hay đưa tới từng xã, phường, cơ quan, câu lạc bộ thể dục... sau đó bán thuốc, bánh, sữa calci là hành động thiếu lành mạnh, gây sự tốn kém về thời gian, tiền bạc và mua thêm sự lo lắng, sợ hãi... trong nhân dân.
Đây là loại máy rẻ tiền, chỉ đo được một số vị trí ngoại biên như gót chân, cổ tay nên không thể lấy đó làm đại diện cho toàn bộ xương của cơ thể. Hơn nữa, máy dùng sóng siêu âm đi vào xương (mật độ rìa ngoài của xương) rồi phản xạ lại nên chưa đo được mật độ bên trong của xương vì thế chưa đủ yếu tố để kết luận đúng tình trạng thực của xương. Máy này chỉ có tác dụng điều tra, sàng lọc ở cộng đồng. Nếu lấy kết quả chẩn đoán này rồi chỉ định dùng thuốc hay các chế phẩm calci cho bệnh nhân là việc làm sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Loãng xương rất thường gặp ở người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương. Dự đoán năm 2050, châu Á và các nước chậm phát triển là nơi sẽ diễn ra 50% các trường hợp gẫy cổ xương đùi
Nội tiết tố có khả năng điều hòa quá trình phát triển của xương. Vì thế, ở người trẻ tuổi, sự hoạt động của tế bào tạo xương và hủy xương là cân bằng, nhờ đó xương luôn phát triển và đổi mới. Ở phụ nữ trên 40 tuổi và thời kỳ mãn kinh, do sự suy giảm của nội tiết tố nữ làm cho khả năng điều hòa quá trình phát triển xương mất cân đối. Do vậy, đối với phụ nữ trong và sau khi mãn kinh thường có lời khuyên bổ sung calci.
Nếu bổ sung calci bằng các thuốc hoặc chế phẩm giàu calci (sữa giàu calci, calciferol, các loại thuốc có calci, vitamin D, Biphotphonat... ) phải có sự theo dõi chặt chẽ, bởi khi sử dụng những sản phẩm này sẽ làm tăng calci huyết. Khi calci huyết cao có thể lắng đọng calci ở cầu thận hay ống thận (gây sỏi thận) và đưa đến suy thận. Hơn nữa, khi sử dụng một hàm lượng calci cao (cơ thể không hấp thu hết) thì calci sẽ hút nước ở thành ruột và làm tăng nhu động ruột gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, sỏi thận, rối loạn vận động, thậm chí gây loét dạ dày, tá tràng.
Đối với việc kiểm tra loãng xương, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới chỉ công nhận máy dùng tia X hai bình diện (DEXA) là tiêu chuẩn vàng để đánh giá mức độ loãng xương (chính xác đến 96 - 98%). Một chùm tia X hướng vào một vị trí nào đó của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi hay toàn bộ cơ thể và đo năng lượng của chùm tia đó khi nó ra khỏi cơ thể. Càng có nhiều chất khoáng (đặc) trên đường đi của chùm tia thì năng lượng của chùm tia càng mất nhiều. Từ sự sụt giảm năng lượng của chùm tia, máy tính đo được khối chất khoáng của xương khi chùm tia đi qua cơ thể. Và đó là tỷ trọng chất khoáng của xương (Ts).
Một người có kết quả Ts = +- 1 là bình thường, nhỏ hơn 1,5 đến -2 là xương bị nhược (giảm chưa đến mức bệnh lý); còn -2,5 là loãng xương bệnh lý và cần phải điều trị. Ở VN, tỷ lệ bị loãng xương ở người già khoảng 20%.
Những biểu hiện lâm sàng của loãng xương chỉ thể hiện khi trọng lượng xương giảm trên 30%. Vì thế, những người bị đau vùng cánh chậu, vùng đốt sống thắt lưng, đau dây thần kinh hông, thần kinh liên sườn lan ra phía bụng thì phải đi thăm khám và điều trị. Những người có nguy cơ cao cũng nên kiểm tra: nữ từ 50 tuổi, nam từ 60 tuổi; những người đã cắt bỏ buồng trứng; những người có bệnh phải nằm lâu bất động; những người có bệnh về tiêu hóa hoặc tiết niệu không hấp thu được thực phẩm và calci hoặc có bệnh về thận (thải calci ra ngoài); người nghiện rượu; người ít vận động, hoạt động thể lực.
Theo An ninh thủ đô (Việt Báo)

16/02/2009

Trật khớp khuỷu

Tôi bị ngã đã gần nửa tháng nay, tay trái khó cử động ở khớp khuỷu và vẫn sưng to. Tôi nên khám và chữa bệnh ở đâu, thưa bác sĩ ? Trần Thị Vân(Hòa Bình)
Sau khi bạn bị ngã mà khuỷu tay bị sưng, đau và khó cử động thì có nhiều khả năng bạn bị trật khớp khuỷu. Nguyên nhân trật khớp khuỷu thường do chấn thương; ngã ở tư thế chống tay, khuỷu tay duỗi, cẳng tay ngửa. Tổn thương có thể đứt các dây chằng, rách bao khớp, xương có thể bị vỡ, chẳng hạn vỡ đầu dưới xương cánh tay, vỡ mỏm khuỷu. Triệu chứng trật khớp khuỷu gồm: sau chấn thương bệnh nhân bị sưng, đau và hạn chế vận động khớp khuỷu. Khám thấy khuỷu ở tư thế 50o - 60o; sờ thấy mỏm khuỷu ra sau và lên trên, đầu dưới cánh tay nhô ra trước. Nếu có tổn thương mạch máu, thần kinh sẽ ảnh hưởng đến cảm giác và vận động ngón tay, mạch quay... Chụp Xquang sẽ xác định được trật khớp khuỷu và gãy xương kèm theo. Bệnh có thể có biến chứng sớm là liệt thần kinh trụ gồm dấu hiệu vuốt trụ và mất cảm giác ngón tay 4, 5 (ngón đeo nhẫn và ngón út); dính khớp khuỷu gây hạn chế cử động khớp khuỷu; cứng khớp ở tư thế xấu hay vôi hóa quanh khớp. Điều trị bệnh bằng phương pháp kéo nắn, bó bột đối với trật khớp mới; nếu để lâu trên 3 tuần phải phẫu thuật đặt lại khớp hoặc làm cứng khớp ở tư thế cơ năng. Bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm ở khoa ngoại chấn thương của các bệnh viện. ThS. Trần Ngọc Hương Theo Suckhoedoisong

Bước đột phá của gây mê hồi sức

Lần đầu tiên trên lâm sàng, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y (ĐHY) Hà Nội đã tìm ra và sử dụng thành công một phương pháp gây vô cảm tiên tiến, giúp bệnh nhân già yếu dễ dàng vượt qua những cuộc đại phẫu mà không phải chịu đau đớn và những biến chứng thường gặp do những phương pháp gây mê, gây tê kinh điển gây ra. Đây thực sự là tin vui cho những bệnh nhân cao tuổi khi họ có chỉ định phải điều trị bằng phẫu thuật.
Bệnh nhân gần 100 tuổi dễ dàng vượt qua cuộc đại phẫu
Vì một chút bất cẩn khi đi lại đã làm bệnh nhân Nguyễn Thị Cuộc, 95 tuổi ở Bình Lục - Hà Nam gãy cổ xương đùi. Cũng với một tai nạn tương tự khiến cho bệnh nhân Nguyễn Thị Bảo, 92 tuổi ở Đống Đa- Hà Nội phải nhập viện vì gãy liên mấu chuyển xương đùi. Cả hai bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện ĐHY Hà Nội trong tình trạng sức khoẻ có nhiều biểu hiện phức tạp như suy giảm chức năng hô hấp, lú lẫn, không hợp tác với bác sĩ, bắt đầu có những rối loạn tuần hoàn...
ThS. Trần Trung Dũng- Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện ĐHY Hà Nội cho biết, đây là những dạng chấn thương hay gặp nhất ở người cao tuổi, nguyên nhân chính là do loãng xương. Tuỳ thuộc vào điều kiện sức khoẻ mà người bệnh đứng trước 2 lựa chọn điều trị: Đó là điều trị bảo tồn, không phẫu thuật, bao gồm các chăm sóc về dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn hô hấp, chống loét..., tỷ lệ thành công của phương pháp này không cao dù điều trị phải kéo dài vì hàng loạt biến chứng nhiễm khuẩn do nằm bất động tại chỗ ở người già. Nếu điều kiện cho phép có thể tiến hành phẫu thuật để cố định ổ gãy. Phương pháp này giúp cho bệnh nhân có thể vận động sớm, vì thế tránh được các biến chứng của điều trị bảo tồn. Tuy nhiên gây mê hồi sức cho người già có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí có người bệnh đã tử vong rất sớm trên bàn mổ, ngay sau khi gây mê hoặc gây tê. Vì vậy đối với những trường hợp cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên) chỉ định phẫu thuật là một vấn đề lớn, không dễ thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế. Nhưng với kỹ thuật gây vô cảm tiên tiến hiện nay được sử dụng tại Bệnh viện ĐHY Hà Nội thì những bệnh nhân cao tuổi này hoàn toàn có thể vượt qua những cuộc đại phẫu.
Mặc dù phải trải qua những phẫu thuật lớn như thay khớp háng ở bệnh nhân Nguyễn Thị Cuộc và nẹp vít khớp háng ở bệnh nhân Nguyễn Thị Bảo nhưng suốt quá trình trong và sau phẫu thuật, cả hai bệnh nhân đều hoàn toàn tỉnh táo, không phải chịu những đau đớn, không có biến chứng, đáp ứng tốt với điều trị, chăm sóc, sức khoẻ hồi phục nhanh. Hiện cả hai đều bình phục và được xuất viện.
Vì chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh
PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Trưởng Khoa gây mê hồi sức và chống đau - Bệnh viện ĐHY Hà Nội cho biết, những phương pháp gây tê, gây mê kinh điển có nhiều tác dụng phụ và biến chứng cho bệnh nhân cao tuổi. Ở những bệnh nhân này chức năng của các cơ quan đều suy giảm từ 30 - 50%. Hơn nữa họ thường có bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, mạch vành, tâm phế mạn, rối loạn chuyển hoá... nên rất nhạy cảm với các thuốc dùng trong gây mê, đặc biệt dễ dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở hoặc tụt huyết áp nặng. Những biến chứng này cũng rất khó điều trị. Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp do gây tê tuỷ sống, bù dịch nhanh có thể đưa huyết áp trở về bình thường nhưng với người cao tuổi biện pháp này ít hiệu quả, dễ gây ra suy tim và phù phổi cấp. Mặt khác, quá trình chuyển hoá, đào thải các thuốc mê ở người già cũng chậm hơn nhiều so với người trẻ và khó dự đoán, sau mổ có thể gặp hàng loạt biến chứng do tồn dư thuốc gây ra như ngừng thở, quên thở, tắc nghẽn đường thở, trào ngược dịch dạ dày vào phổi, thiếu ôxy, xẹp phổi... Ngoài ra người già cũng dễ bị rối loạn về thân nhiệt, dễ bị tụt nhiệt độ trong và sau mổ vì dự trữ và sinh nhiệt kém. Tụt nhiệt độ có thể gây ra các rối loạn về chuyển hoá, đông máu và tuần hoàn. Đây là thách thức lớn khi quyết định phẫu thuật cho những bệnh nhân cao tuổi. Vì hạn chế này mà không ít bệnh nhân cao tuổi có thể bị từ chối điều trị bằng phẫu thuật.
Theo PGS. Tú, nhiều nghiên cứu xác nhận nguy cơ biến chứng và tử vong ở bệnh nhân cao tuổi do phẫu thuật cao hơn ở người trẻ ít nhất từ 2-5 lần. Hạn chế rủi ro và biến chứng khi gây mê hồi sức cho người cao tuổi đang là vấn đề thời sự vì trong thực tế số người cao tuổi phải phẫu thuật ngày càng gia tăng, chiếm 5-10% số bệnh nhân phải phẫu thuật nói chung. Các bác sĩ của Bệnh viện ĐHY Hà Nội đã tìm ra và áp dụng hiệu quả phương pháp vô cảm mới và tiên tiến, đảm bảo cho bệnh nhân không đau đớn trong khi cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi và an toàn. Hai trường hợp bệnh nhân nêu trên được áp dụng phương pháp gây tê vùng có phối hợp 2 kỹ thuật: Gây tê tuỷ sống với liều rất nhỏ (minidose) và gây tê ngoài màng cứng với liều giảm đau. Việc xác định liều lượng của thuốc tê sử dụng trong phương pháp này phải dựa vào đánh giá đầy đủ trên thể trạng, các chức năng sống của từng bệnh nhân cũng như mức độ và yêu cầu của cuộc phẫu thuật. Sự phối hợp này đã tránh được tối đa các biến chứng về hô hấp, tim mạch của phương pháp gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng kinh điển khi dùng đơn độc với mục đích gây tê thông thường và cho phép kéo dài thời gian vô cảm theo yêu cầu của cuộc mổ.
Hiện nay tuổi thọ của con người ngày càng cao, các bệnh lý do thoái hoá xương khớp gặp rất nhiều, vì vậy gãy xương ở người già dễ xảy ra. Nếu không thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật thì chất lượng sống của người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng cùng với nhiều biến chứng do bất động tại chỗ gây ra. Chính vì vậy với những tiến bộ quan trọng của gây mê hồi sức, bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên có thể yên tâm vượt qua những cuộc đại phẫu, giúp họ sống tuổi già ý nghĩa hơn và tuôi thọ được nâng cao hơn. Lê Hảo Theo Suckhoedoisong

21/01/2009

Khát vọng mang tên chiều cao

Giadinh.net - Thùy Mai kéo ống quần rộng, tay chỉ trượt dài trên đường sẹo thâm nâu ở cẳng chân. Mai giải thích đó là dấu vết của những vết đinh tì vào da trong quá trình kéo dài chân. Đến giờ, sau 2 năm…cải thiện tầm vóc cơ thể, Thùy Mai vẫn không quên được hơn 200 ngày đau đớn ấy…
40 ngày dài thêm… 1cm!
Thùy Mai cao có 1m49, cho dù đã tích cực đi thêm giầy 7cm nữa nhưng vẫn không thể thấy tự tin. Cho đến khi đọc được thông tin về BVQĐ 108 (Hà Nội) có thực hiện phương pháp kéo dài chi đối với những trường hợp dị tật bẩm sinh, Thùy Mai đã nung nấu suy nghĩ: Chân mình cũng sẽ được kéo dài ra! Những ngày tiếp theo, Mai đã đến viện làm các thủ tục cần thiết.
Ca phẫu thuật cắt rời xương chi diễn ra khá suôn sẻ, Thùy Mai nằm trên giường suốt 7 ngày. Tiếp đó, những chiếc đinh vít được xuyên qua xương cùng với ống giữ chân. Theo chỉ định của bác sĩ, mỗi ngày 4 lần các con vít được vặn giãn ra với độ dài 1mm. Thùy Mai có cảm giác da thịt mình bị ai đó kéo căng từ hai đầu. Chỉ cần mất 10 ngày cho độ dài 1cm, nhưng để xương, cơ, mạch máu và da có thể "mọc" theo được 1cm này thì cần tới 35-40 ngày bất động. Đôi lúc nản chí, Thùy Mai đã muốn bỏ cuộc…Nhưng rồi hai từ "chân dài" đã khiến Mai quên đi cơn đau. Khi cái ốc vít vặn giãn xương vượt quá ngưỡng… 7cm, cơ, gân, da, mạch máu của Mai bị kéo căng trở nên nhức buốt, nhưng dường như người ta có thể quen được với tất cả, kể cả sự đau đớn.
Các bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi Mai đề nghị được tiếp tục kéo dài chân thêm…7cm nữa. Tuy nhiên đề nghị này bị từ chối vì quá mức giới hạn. Thương lượng mãi cuối cùng các bác sĩ đành nhượng bộ để Mai kéo thêm 1cm.
Rồi cái ngày mọi nỗ lực của Mai được đền đáp, cô đã được tháo nẹp sắt. Thùy Mai chỉ vào những nốt đinh vít để lại trên mảng da chân nói rằng, đúng là một kỳ tích.
12 tháng cho một ca "cải thiện" vóc dáng
Phương pháp kéo dài xương chân do giáo sư Ilizarôp, người Nga, sáng tạo và thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ 20. Nguyên lý của phương pháp là cắt rời một chỗ trên đoạn xương chân cần kéo dài, xuyên các đinh chuyên dụng qua cả hai đoạn xương rời ra, rồi gắn vào một loại khung cố định đặc biệt ở bên ngoài chân. Quá trình hàn gắn vết gẫy sẽ hình thành ra canxi, tủy xương và các tổ chức tế bào cần thiết khác để nối liền hai đầu xương gẫy lại với nhau. Đợi đến khi xương mới liền, người ta lại chỉnh vít trên khung bên ngoài, cho giãn ra khoảng 1mm/ngày ( kéo dài 2mm/ngày thì xương không kịp phát triển hoặc phát triển sẽ gây vẹo, méo, nếu chỉ kéo 0,5mm sẽ gây liền dính) nhằm mục đích bắt buộc các tổ chức xương phải tiếp tục lan ra để nối liền với nhau. Và cứ như vậy.... cho tới khi đạt được chiều dài xương chân như dự tính.
Trung bình để kéo dài xương chân 5-7cm, bệnh nhân phải mang khung cố định 10-12 tháng, sau khi bỏ khung, bệnh nhân lao động, sinh hoạt hoàn toàn bình thường, các phần xương chân được kéo dài thêm có độ cứng chắc như xương cũ.
Chân dài nhưng không dám… khoe!
Phải hẹn đến lần thứ ba, Phương Chi (quận Đống Đa, Hà Nội) mới chịu cho gặp mặt. Phương Chi dặn kỹ đừng nói với ai về tên, địa chỉ thật của mình. Chi đã gặp nhiều bi hài trong cuộc sống từ khi cuộc kéo dài chân thành công.
Xin được bảo lưu kết quả tại trường đại học Ngoại giao năm thứ 3, Phương Chi vào bệnh viện quyết tâm kéo dài chân. Với chiều cao 1m52 Chi nghĩ, kể cả sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc cũng khó có thể xin việc. Thêm 7cm nữa, cuộc đời sẽ khác, Phương Chi vay mượn tiền nhập viện.
Không muốn để gia đình ở quê biết, Phương Chi đành nói dối là bị tai nạn gẫy chân, phải đeo khối sắt quanh chân tận 10 tháng sau đó. Thuê người chăm sóc, tự loay hoay với những hướng dẫn kéo dài chân, Chi không muốn bất cứ ai biết "sự kiện" này.
Sau 4 năm sống với chiều cao 1m59, nhưng Phương Chi không cảm thấy thoải mái. Lúc nào Chi cũng sợ nguời khác sẽ biết được "gót chân Asin". Với cô, điều tệ hại nhất là không bao giờ cô có thể mặc váy. "Cái gì cũng có giá của nó chị à. Y học có thể giúp được con người ta thỏa cái khao khát chân dài, nhưng khi đạt được điều đó thì lại lo thêm hàng trăm thứ khác. Chỉ có những người trong cuộc như em mới thấm thía cái giá của sự làm đẹp", Phương Chi nói.
Với Ngọc Lan (Bắc Giang) bi kịch bắt đầu khi cô có người yêu! Ngọc Lan không dám nói với chàng rằng mình đã từng đi kéo chân. Thế nhưng Lan cũng không thể giải thích về những vết sẹo trên đôi chân cô. Cuộc sống của Ngọc Lan trở nên căng thẳng, cô bị stress nặng. "Điều đáng buồn nhất là em không thể vượt qua được những mặc cảm về bản thân. Em sợ bạn trai em sẽ đùa cợt vì em đã từng đi kéo chân", Ngọc Lan chán nản tâm sự...
"Mày râu" cũng… kéo!
TS.BS Đỗ Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, BVQĐ108 vừa lật tìm cuốn sổ vừa cho biết: "Thời gian trước còn có nhiều bệnh nhân, nhưng những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đăng ký kéo dài chân ít đi. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần vì hiện nay có thêm nhiều cơ sở đã thực hiện được phương pháp này. "Bệnh nhân" không chỉ có nữ đâu, cả nam giới cũng không thiếu".
Phạm Việt H., 25 tuổi (Hà Nội) là một trường hợp như vây. H cao 1m57, đến viện đề nghị được kéo dài chân thêm 7cm. TS Dũng cho biết, khi đến gặp bác sĩ tư vấn, H. chia sẻ, vì chót yêu cô bạn gái cao 1m62, không chịu được cảm giác "thấp kém" hơn nên cậu quyết tâm đi kéo dài chân. Sau khi đủ thời gian căng giãn, H. được tiến hành tiêm tế bào gốc, nhờ vậy mà cho đến khi tháo khung, H. chỉ mất có 9 tháng.
Không giống H, lý do để bệnh nhân Phan Kiến T (Hà Đông), 26 tuổi, cao 1m59, đến viện là bởi muốn ra…nước ngoài công tác. Công việc T sẽ làm ở Australia là thiết kế thời trang, do vậy phải "cao cao" một tý. Điều đáng ngại nhất theo TS Dũng, đó là sau khi tháo khung, lẽ ra phải đến khám lại thì T "lặn" một lèo chẳng thấy đâu. "Việc theo dõi tiếp theo sức khỏe của bệnh nhân sau khi tháo khung rất hạn chế, họ thường lặng lẽ biến mất, có khi còn đổi cả số điện thoại, T chỉ là một ví dụ thôi", TS Dũng nói.
Những bệnh nhân kéo chi dường như muốn xóa sạch dấu vết của việc từng nhờ y học can thiệp chiều cao.
Kéo dài được bao nhiêu?
PGS. TS Nguyễn Tiến Bình, người đầu tiên thực hiện các ca phẫu thuật kéo dài chân ở khoa Chấn thương Chỉnh hình BVQĐ 108 cho hay, về nguyên lý thì xương kéo dài thoải mái, bao nhiêu cũng được và chuyện kéo dài chân cũng không có gì quá to tát.
Bắt đầu từ năm 1986, BV 108 đã tiến hành đưa kỹ thuật này vào điều trị cho thương bệnh binh bị mất xương, trẻ bị dị tật bẩm sinh như sai khớp háng, chân thấp chân cao. Kỹ thuật kéo xương phổ biến ở rất nhiều bệnh viện, với hàng nghìn bệnh nhân được điều trị thành công vào những năm 1990-1995. Kỷ lục thành công kéo dài chân cho người dị tật là 24cm, bằng kỹ thuật cân bằng hai chi dưới. "Đây là bệnh nhân nữ, làm thợ may ở Hà Nội, rất xinh nhưng một chân chỉ ngắn đến đầu gối của chân còn lại, tổng cộng chiều dài chân bên trái được kéo dài 24cm. Sau phẫu thuật, việc đi lại của bệnh nhân này hoàn toàn bình thường"- PGS Bình cho biết.
"Lúc đó tôi đã trăn trở: Vậy tại sao không dùng kỹ thuật này để nâng chiều cao cho những người có tầm vóc thấp? Trên thực tế có rất nhiều người có chiều cao khiêm tốn 1m45 hay 1m47, họ rất buồn, mặc cảm với cuộc sống. Vậy là chúng tôi nghĩ, nên hoàn thiện kỹ thuật để tiến hành kéo dài cả 2 chân cho những đối tượng này", PGS Bình nhớ lại.
Hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Học viện Quân y, PGS Bình vẫn rất tâm huyết với kỹ thuật kéo dài xương chi, ông cho rằng nhu cầu kéo dài chân của những người có tầm vóc thấp là rất chính đáng.
Chân kéo dài quá, như đi cà - kheo
PGS. TS Nguyễn Tiến Bình cho biết, xương kéo dài bao nhiêu còn tùy thuộc vào chỉ số của bệnh nhân. Ví dụ một người chỉ cao có 1m40 thôi mà đòi hỏi kéo dài 15cm, về lý thuyết là có thể kéo được nhưng người thế thì sẽ mất cân đối, lưng và tay ngắn, chân quá dài sẽ như đi cà-kheo.
Công việc chăm sóc cái chân sau mổ cũng rất khó khăn. Có những biến chứng dễ gặp như nhiễm khuẩn chân đinh; quên không kéo sẽ gây liền lại; kéo nhanh quá làm cho xương không vững; va đập ngã bị gẫy xương khi đang trong quá trình kéo giãn; biến dạng các khớp lân cận do kéo căng mà bệnh nhân không tập được. Mỗi biến chứng đòi hỏi khắc phục khác nhau: viêm chân đinh thì phải dùng tiêm kháng sinh tại chỗ, hoặc dùng kháng sinh toàn thân.
Còn nếu trường hợp kéo nhanh quá thì phải làm thủ thuật chùn lại cho xương vững mới kéo tiếp; nếu kéo chậm quá thì phải ghép bổ sung xương; nếu bị gẫy thì lại phải nẹp xương cho liền lại; khớp biến dạng quá thì phải nới gân. Những trường hợp từ 5-7cm thì không gặp khó khăn gì. Còn từ trên 7cm trở lên thì khi đó gân cơ sẽ không phù hợp. Nên khi kéo phải đảm bảo các chức năng khớp ngay từ đầu ở tư thế chức phận (đúng vị trí). Đặc biệt là khớp gối, khớp cổ chân ở những vị trí đúng.
Việc kéo dài chân bao gồm 6 giai đoạn. Trong ngày mổ người bệnh được đặt một hệ thống dụng cụ ở xung quanh chi, một số cây kim được xuyên qua xương nhằm cố định các đoạn xương kéo dài. Sau đó, phần xương cần kéo dài sẽ được cắt rời ra, đây là giai đoạn rất quan trọng và rất khó làm sao để cho người bệnh tổn thương mạch máu nuôi xương ít nhất.
Giai đoạn 3 làm lành vết mổ để tạo một phần của can xương, thường kéo dài từ 1-10-15 ngày, tùy theo độ tuổi của bệnh nhân. Giai đoạn 4, giai đoạn căng dãn kéo chi dài, mỗi ngày người bệnh được kéo dài 1mm, chia làm 4 lần mỗi lần 1/4mm, việc kéo dài 1cm được tiến hành làm trong 10 ngày.
Tiếp đó là giai đoạn 5- hóa xương: Sau khi xương được căng giữa các khoảng mặt gãy sẽ có các mô non bao gồm các liên kết non (các mô này sẽ biến thành mô sụn hoặc mô xương tùy theo độ căng giãn) thời gian để các mô này hóa xương tùy thuộc vào tổng trạng. Sau khi đã lành hẳn, cầu xương tốt thì có thể lấy thiết bị kéo chi ra; công đoạn này cần được thực hiện cẩn thận vì các vùng xương được kéo dãn dễ bị biến chứng như gãy hoặc lệch.
Đôi chân thế nào là "chuẩn"?
Đôi chân được đánh giá là đẹp trước hết đùi không quá to (vòng đùi phụ nữ cao 165cm=49,5cm, người cao 170cm=50cm là lý tưởng) và chân phải thon thẳng. Khi đứng chạm hai bàn chân vào nhau phải có 5 điểm chạm giữa hai chân là đùi, đầu gối, bắp chân, mắt cá trong và ngón cái.
Nếu tính theo chỉ số Skélie lấy chiều cao đứng (đứng thẳng đo từ mặt đất đến đỉnh đầu) trừ đi chiều cao ngồi (ngồi tựa lưng vào ghế đo từ đỉnh đầu đến mặt ghế): chiều dài đùi =chiều cao đứng - chiều cao ngồi: Nếu chỉ số nhỏ dưới 78 là chân rất ngắn; chỉ số 78,1-82,7 là chân ngắn; 82,8-87,4 là chân dài; nếu 87,5-92,1 là chân rất dài. Ngoài ra, còn tính tổng vòng chi = vòng đùi phải + vòng tay to. Đo vòng đùi chân phải ngay dưới nếp lằn mông. Đo vòng cánh tay phải to nhất khi cẳng tay gấp hết cỡ. Người ta thấy sự tương quan thuận chiều giữa cân nặng và tổng vòng chi tức là cân càng nặng thì tổng vòng chi càng lớn. Tổng vòng chi lý tưởng = 0,70x cân nặng (kg)+35,06.
Vân Khánh (Theo Giadinh.net)

Đời Sống-Gia Đình (VietBao VN)

Vui Cười (VietBao VN)

SƯU TẦM ĐỊA CHỈ ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN SỨC KHOẺ:

Tư vấn miễn phí:

* Điện thoại của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 hoặc chương trình Cửa sổ tình yêu (04) 3 8262625 để được tư vấn miễn phí.
* Phòng tư vấn sức khỏe sinh sản Bệnh viện Từ Dũ TPHCM với các chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước, trong và sau sinh miễn phí dành cho các ông bố, bà mẹ: điện thoại (08) 3 8395117 (số nội bộ 368).
* Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng tại Bình Định: (có tư vấn về phòng chống HIV/AIDS): Địa chỉ liên hệ với Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng: 419 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn vào tất cả các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). ĐT: (056): 3 811 466. Trung tâm tư vấn HIV/AIDS miễn phí tại: + Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng - Bệnh viện Lao: ĐT (056) 3 748 922; + Phòng khám số 3 (936- 938 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn: ĐT (056): 3 792 476.
* Phòng tư vấn sức khỏe miển phí tại Trung tâm Y tế Quận 1 TP.HCM với trên 20 bác sĩ thuộc các chuyên khoa tham gia tham vấn sức khỏe trực tiếp hoặc qua điện thoại số (08) 3 8206544.
* Chương trình VTV1 "Sức khoẻ là vàng", phát sóng vào 18h ngày Chủ nhật và phát lại vào 15h Thứ 4 tuần kế tiếp: Số điện thoại nóng của chương trình là 1900561225.
* Chương trình VTV2 “Sức khoẻ cho mọi người”, phát sóng vào 17h30 ngày Thứ 3 hàng tuần và phát lại vào 12h trưa hôm sau.
* Trung tâm tư vấn ung thư Can Hope (Singapore) tại Hà Nội: 04. 3 7472729 / 04. 3 7472730
* Khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống là chương trình do BV Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) thực hiện vào lúc 13g30 thứ sáu hằng tuần.
Bệnh nhân có nhu cầu đăng ký qua số ĐT: 39234332 (xin số 895).


Khác:

* Bệnh nhân nam giới có nhu cầu khám và tư vấn các bệnh lý Nam khoa, vui lòng đăng ký tại BVĐH Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P11, Q5.:
1. Phòng khám Nam khoa. Điện thoại: (08) 3 8554269 (số 265) 2. Bộ phận chăm sóc khách hàng. Điện thoại: (08) 3 4051010- 3 4051212

*Ttư vấn “Bệnh loét dạ dày-tá tràng” liên hệ Phòng khám tiêu hóa - bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, xin vui lòng đăng ký qua số điện thoại: 08. 3 4051010, 3 4051212, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, bộ phận Chăm sóc khách hàng.

* Câu lạc bộ phòng chống Hen Hà nội, Hội Hen DU & MDLS Việt nam 04.3 9438933

* Các địa chỉ khác tại: http://shelove.biz/thong-tin-tu-van

* Tham khảo chữa rắn cắn: Địa chỉ liên hệ của ông Tần: Lê Văn Tần - xóm 6 xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Điện thoại: 0972.901.089.

Người theo dõi