Sáng ngày 7/11/2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban các đơn vị Chỉnh hình – Phục hồi chức năng của Bộ. Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh tham dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ, đại diện các đơn vị Bệnh viện Chỉnh hình – Phục Hồi chức năng (CH – PHCN) Đà Nẵng, Bệnh viện CH – PHCN Quy Nhơn, Bệnh viện CH – PHCN TP.HCM, Viện CH – PHCN; Trung tâm Kỹ thuật CH – PHCN Hà Nội, Trung tâm CH – PHCN thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm CH - PHCN Cần Thơ.
Báo cáo một số tình hình hoạt động của các đơn vị chỉnh hình – phục hồi chức năng trực thuộc Bộ trong năm 2013, ông Phạm Quang Phụng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết: Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có 7 đơn vị chỉnh hình – phục hồi chức năng. Trong đó, có 3 bệnh viện CH – PHCN và 4 trung tâm CH – PHCN có chức năng khám, điều trị, phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật chấn thương, phục hồi chức năng, sản xuất lắp ráp dụng cụ chỉnh hình cho tất cả các bệnh nhận có nhu cầu.
Trong những năm qua, các đơn vị đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Bộ giao. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2013, các đơn vị đã điều trị cho 15.572 ca, trong đó số bệnh nhân được phẫu thuật là 4.564 ca. Đây là một con số không nhỏ, góp phần vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, được hưởng các chế độ ưu đãi.
Bên cạnh đó, công tác phục hồi chức năng cũng có xu hướng phát triển mạnh. Các đơn vị đã chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ chuyên môn và tăng cường trang thiết bị, máy móc y tế chuyên dụng, góp phần thực hiện nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân thuộc diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã được điều trị miễn phí.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất chân tay giả, xe lăn, xe lắc, bán thành phẩm và phương tiện trợ giúp người khuyết tật: Sản phẩm chân tay giả, nẹp chỉnh hình hiện nay chủ yếu được các đơn vị áp dụng công nghệ nhựa tẩm PP (Popyropylen). Hoạt động sản xuất và cung cấp bán thành phẩm nội địa chủ yếu thực hiện từ 2 đơn vị là Trung tâm Kỹ thuật CH – PHCN Hà Nội và Bệnh viện CH – PHCN Đà Nẵng. Hai đơn vị này đảm bảo cung cấp bán thành phẩm cho các đơn vị khác trên toàn quốc và đã có một số sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài như Bangladesh, Lào… Trung tâm Kỹ thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng đã phối hợp với tổ chức Chân tay giả ngoại tuyến (POF) thực hiện chế tạo bán thành phẩm làm chân tay giả bằng vật liệu Composite. Linh kiện từ vật liệu nhẹ, dễ lắp ráp, tuy nhiên chưa được chính thức phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng được đơn vị sản xuất phục vụ cho các đối tượng như: xe lăn cho người bại não, xe lắc, xe lăn điện cũng đang được Trung tâm Ba Vì sản xuất thí nghiệm, tuy nhiên tính cạnh tranh chưa cao so với các sản phẩm trên thị trường từ Trung Quốc.
Tính từ đầu năm 2013, các đơn vị đã sản xuất được 6007 dụng cụ chỉnh hình các loại, giảm so với năm 2012 là 1.011 sản phẩm, trong đó giảm nhiều nhất là Viện CH – PHCN, chỉ có 87 dụng cụ được sản xuất trong năm 2013. Nguyên nhân là do nền kinh tế suy thoái nên trợ giúp nhân đạo của các tổ chức, cá nhân giảm đi. Đời sống của nhân dân, nhất là người khuyết tật còn khó khăn nên việc cung cấp sản phẩm dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp cũng giảm, đối tượng thương binh, bệnh binh cần dụng cụ chỉnh hình phần lớn là ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi được cấp kinh phí làm dụng cụ chỉnh hình trực tiếp, đa số đối tượng đã sử dụng tiền vào phục vụ cho đời sống, sinh hoạt…
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã nêu lên một số khó khăn, tồn tại hiện nay nay như: Cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y bác sĩ còn thiếu trầm trọng, ưu đãi trọng việc tuyển dụng, cơ chế trả lương thưởng nhằm khuyết khích đợi ngũ y bác sĩ giỏi về công tác. Ngoài ra, các đơn vị cũng đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới, Bộ cần tổ chức, sắp xếp và hoàn thiện bộ máy hoạt động của các bệnh viện và trung tâm CH-PHCN để các đơn vị có điều kiện xây dựng và chuyển đổi mô hình hoạt động có hiệu quả hơn; xây dựng và tổ chức thành lập một Vụ chức năng quản lý để chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành y. Theo đại diện của Bệnh viện CH – PHCN Đà Năng, hiện nay các đơn vị chỉnh hình, phục hồi chức năng hoạt động rời rạc, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá về chuyên môn chưa phù hợp. Do đó, trong thời gian tới Bộ cần có một cơ quan quản lý, chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn trong ngành y của Bộ hiện nay.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong thời gian qua, việc Bộ cho phép 3 đơn vị Trung tâm CH – PHCN ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và TPHCM chuyển đổi sang mô hình Bệnh viện CH – PHCN là khá phù hợp và các đơn vị này đã phát huy được thế mạnh của mình. Trên cơ sở đó, Bệnh viện CH – PHCN Đà Nẵng, Quy Nhơn và TPHCM cũng đề nghị Bộ cho phép các đơn vị được mở thêm một số khoa như: Khoa rối loạn tâm trí, khoa khám tổng hợp… vì hiện nay nhu cầu của các đối tượng là rất lớn.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đề xuất Bộ xem xét và ban hành giá dụng cụ chỉnh hình mới cho phù hợp với tình hình hiện nay; có chính sách chế độ, bồi dưỡng cho cán bộ y bác sĩ đang công tác tại các đơn vị; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cả ngắn hạn, dài hạn và thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ cho các đơn vị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh đánh giá cao những kết quả đạt được của các đơn vị trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2013 đã tổ chức khám, điều trị và phục hồi chức năng cho trên 15.000 đối tượng thành công và đảm bảo về mặt y học, không để xẩy ra sai sót trong việc hội chẩn, phẫu thuật và điều trị của toàn hệ thống.
Thứ trưởng cũng khẳng định: Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của 3 đơn vị sang mô hình Bệnh viện CH – PHCN ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và TPHCM là một hướng đi đúng. Điều đó cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi chuyển đổi mô hình, các đơn vị đã phát huy được thế mạnh và mang lại hiệu quả cao, góp phần đáp ứng nhu cầu khám điều trị cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và nhân dân trên địa bàn và cả nước.
Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cũng yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm CH – PHCN của Bộ cần tiếp tục đề cao trách nhiệm y đức của đội ngũ y bác sĩ trong công tác của mình. Đồng chí cũng yêu lãnh đạo các bệnh viện và trung tâm CH – PHCN phải làm đúng chuyên môn, nghiệp vụ được ngành giao, không được nhận các bệnh nhân không phù hợp, không đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện những nhiệm vụ, chuyên môn ngoài lĩnh vực Bộ giao.
Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Các đơn vị, trung tâm nào nếu để xẩy ra sự cố thì lãnh đạo của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ. Về lĩnh vực tài chính, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện minh bạch, rõ ràng trong việc thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân như: Chụp phim, xét nghiệm phải đảm bảo đúng nguyên tắc, theo quy định và có biện pháp giám sát, đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời. Còn về mô hình tổ chức, Thứ trưởng cho rằng, các đơn vị cần phải đảm bảo cơ cầu về Bác sĩ, định biên phải đưa ra 2 loại phần mềm và phần cứng. Về phần vật lý trị liệu các đơn vị và bệnh viện phải thực hiện đảm bảo, an toàn và lành mạnh. Riêng hoạt động của các Trung tâm CH – PHCN trong thời gian tới Bộ sẽ xem xét ưu tiên chuyển đổi sang mô hình bệnh viện. Trong đó, sẽ chuyển đổi mô hình Trung tâm CH – PHCN Cần Thơ sang mô hình bệnh viện Chỉnh hình – PHCN Cần Thơ trước và các đơn vị còn lại sẽ xem xét và triển khai khi có đủ điều kiện.
Về việc các đơn vị kiến nghị Bộ nên thành lập Tổ công tác hoặc Vụ chức năng để theo dõi chuyên môn trong lĩnh vực ngành y, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết: Trước mắt Bộ sẽ hình thành Tổ tư vấn do đồng chí Thứ trưởng làm Tổ trưởng. Trong thời gian tới các các đơn vị cần tiếp tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ cả trong và ngoài nước; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả./.
Theo molisa.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét