VOV.VN - Các bậc cha mẹ cần biết: trẻ sơ sinh bị tật ở chi hoặc trật khớp háng… được phát hiện và can thiệp sớm, sẽ tránh phải phẫu thuật.
Hình ở giữa là đôi chân bình thường, hình 2 bên mô tả đôi chân bị khuyết tật
Người yêu nghề “nắn chân” cho trẻ
Bà Đặng Thị Phụng nay 62 tuổi, trước đây làm việc tại khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Từ Dũ. Kể từ khi về hưu, bà vẫn tiếp tục công việc tại phòng Phục hồi chức năng của Bệnh viện đa khoa tư nhân Mỹ Đức (TP. HCM).
Chuyên viên chỉnh hình hướng dẫn cha mẹ em bé cách trị liệu bằng nắn, bóp
Bà Phụng gọi công việc của mình một cách ngắn gọn: “Sửa tướng đi xấu cho các cháu”. Cơ duyên đến với nghề “nắn chân” cho trẻ của bà Phụng bắt đầu từ một kỷ niệm xảy ra năm 1995. Hồi đó bà là nữ hộ sinh ở khoa Sơ sinh của BV Từ Dũ. Có một người Pháp sang Việt Nam xin con nuôi. Thấy họ là nam giới, sợ họ chăm con không thạo nên bà quan tâm ân cần giúp, chỉ cách chăm sóc em bé. Không ngờ người đàn ông nghe chỉ dẫn của bà rồi cười ngất, và… chỉ dẫn lại bà. Hóa ra ông là một chuyên viên vật lý trị liệu giỏi.
Rồi ông đi tham quan bệnh viện, đưa ra những lời khuyên rất khoa học trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Một thời gian sau, thấy bà Phụng biết tiếng Pháp, ông làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện để xin cho bà Phụng sang Pháp dự huấn luyện về phục hồi chức năng cho trẻ sơ sinh. Sau đó Bệnh viện Từ Dũ đã mở khoa Phục hồi chức năng cho trẻ.
Bà Phụng yêu và gắn bó với công việc "sửa tướng đi cho trẻ"
Bà Phụng cho biết, em bé chào đời trong bệnh viện, trước khi xuất viện phải được các nhân viên y tế khám ngoại hình để phát hiện ra dị tật bẩm sinh. Nếu bé bị khoèo chân, tay, trật khớp háng, vẹo cổ… cha mẹ bé cần được hướng dẫn can thiệp bằng vật lý trị liệu: xoa nắn, hoặc băng nẹp cố định, theo sự chỉ dẫn chuyên môn của chuyên viên y tế.
Thông thường một ca tật dù nhẹ cũng phải can thiệp liên tục trong 3 tháng mới phục hồi được. Tuy nhiên, nếu không can thiệp sớm, để khi lớn hơn, cháu bé sẽ phải phẫu thuật, chịu đau đớn mà kết quả chưa chắc đã tối ưu.
Phục hồi chức năng cho trẻ bằng trị liệu là một công việc tỉ mỉ. Bà Phụng thường phải mất công giải thích, thuyết phục cha mẹ em bé vì đôi khi người ta chưa tin tưởng vào kết quả việc trị liệu; hoặc sợ đứa con sơ sinh còn non nớt của mình bị đau, thương khi bé khóc và bỏ dở giữa chừng.
Bà Phụng có hẳn một cuốn album hình ảnh các bệnh nhi, mà theo bà giải thích: Không ai yêu cầu bà chụp lại, nhưng bà tự chụp để có bằng chứng mà thuyết phục cha mẹ trẻ bị dị tật. “Nhiều người có con bị tật, họ bị người khác nói rằng do ở ác nên… trời phạt, thành thử thay vì theo bác sĩ chữa trị thì họ lại cúng bái. Những hình chụp cho thấy rõ tình trạng ban đầu của trẻ và kết quả sau khi trị liệu trẻ đã trở nên bình thường…để các bậc cha mẹ tin tưởng mà quyết tâm hợp tác chữa trị cho con mình”.
Cuốn album hữu dụng
Cuốn album mà bà âm thầm thực hiện đã phát huy tác dụng, rất nhiều bậc cha mẹ sau khi tham khảo đã tin tưởng vào phương pháp mà các nhân viên y tế áp dụng cho con mình.
Cần có kiến thức để phát hiện sớm dị tật ở trẻ
Có những em bé sinh ra đã bị dị tật mà nguyên nhân đơn giản là do tư thế nằm trong bụng mẹ của bé làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Bé có thể bị chân vòng kiềng (chân cong), hay trật khớp háng, hoặc bàn chân bị nghiêng ngoài, khoèo chân, gối quật ngược, hay vẹo cổ…
Khi đứa trẻ ra đời, các bậc cha mẹ do thiếu kinh nghiệm (nếu sinh con đầu lòng) không nhận ra dị tật của con mình, hoặc quan niệm là “khi trẻ lớn sẽ bình thường trở lại”, hoặc có thể phát hiện ra nhưng không biết nên xử lý thế nào… Kết quả là đứa trẻ lớn lên sẽ bị dị tật, khiến việc đi lại, hoạt động khó khăn, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của trẻ.
Không phải ai cũng biết rằng, với những trẻ bị dị tật như vậy, nếu được vật lý trị liệu sớm, trong nhiều trường hợp là ngay bắt đầu từ ngày thứ hai sau sinh, sẽ đem lại kết quả tốt, giúp trẻ tránh được dị tật về sau.
Từ năm 1997 đến nay, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã có khoa Phục hồi chức năng, chuyên khám và điều trị vật lý trị liệu cho các bé từ 0 đến 2 tuổi. Ngoài can thiệp bằng dụng cụ cố định nếu cần thiết, các nhân viên y tế cũng sẽ hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện một số bài tập. Việc này cần phải rất kiên trì, làm thường xuyên hàng ngày. Nhiều bà mẹ do xót con khóc, sợ con đau, thường tháo giày nẹp hoặc miếng đệm chỉnh hình, làm cho bàn chân, khớp háng đã được nắn chỉnh của bé bị dị tật trở lại
Các bác sĩ khuyên rằng: Thai phụ nên được theo dõi thường xuyên trong thai kỳ để phát hiện sớm các dị tật của thai nhi. Một nghiên cứu cho thấy trong 1000 trẻ sơ sinh thì có trung bình 4 cháu bị chân khoèo bẩm sinh. Nhờ được tập vật lý trị liệu, các cơ, khớp của trẻ mềm dẻo hơn, cho dù sau này trẻ phải phẫu thuật thì kết quả điều trị cũng sẽ tốt hơn. Nếu áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu ngay từ đầu, trẻ có thể chỉ cần chỉnh hình mà không phải trải qua phẫu thuật. Đặc biệt trong 3 tháng đầu sau sinh, mặc dù nhiều dị tật ở trẻ trông có vẻ nặng nề, vẫn có thể điều trị bảo tồn. Sau giai đoạn 3 tháng, nếu không được tập thì cơ sẽ co kéo, dẫn đến nhiều biến dạng khác mà dù có can thiệp bằng phẫu thuật cũng khó phục hồi. Ví dụ, với bàn chân khoèo, trẻ lớn dù có được mổ thì khớp ở phần cổ chân vẫn bị cứng, việc đi lại vẫn khó khăn.
Trật khớp háng bẩm sinh cũng là một dị tật thường gặp khác. Đó là tình trạng chỏm xương đùi trật ra ngoài ổ cối của xương chậu, xảy ra sau sinh hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Trật khớp háng có thể được điều trị bằng vật lý trị liệu cho trẻ trước 6 tháng tuổi, không cần phẫu thuật, tỷ lệ thành công rất cao.
Một số hình ảnh trẻ bị khoèo chân, trật khớp háng bẩm sinh (từ cuốn album của bà Đặng Thị Phụng)
Khi trẻ đã lớn, can thiệp bằng phẫu thuật phức tạp hơn và hiệu quả có thể không được như mong muốn (trong ảnh là bé gái trước và sau phẫu thuật, không thể trở nên hoàn toàn bình thường)
|
Những trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị trật khớp háng bẩm sinh là bé gái, con so, sinh đôi, sinh ba, đa thai, sinh ngôi mông, ngôi thai bất thường. Triệu chứng của trật khớp háng bẩm sinh là giới hạn động tác háng bên khớp háng trật, nếp lằn mông, bẹn đùi bên trật cao hơn bên lành, chân xoay ngoài tạo thành tư thế nằm bất thường... Gặp những trẻ có nguy cơ cao hoặc có những triệu chứng trên, các bác sĩ sẽ cho trẻ siêu âm khớp háng để chẩn đoán và điều trị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét