Là bác sĩ chuyên về phẫu thuật tạo hình nhi, bác sĩ Đẩu có nhiều kỷ niệm sâu sắc về cảnh đời những đứa bé chẳng may sinh ra với dị tật sứt môi hở vòm và nhiều dị tật vùng mặt khác mà ông và các đồng nghiệp tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) thực hiện.
Có một ông bố trẻ đến gặp bác sĩ Đẩu vì kết quả siêu âm đứa con sắp chào đời sứt môi hở vòm. Chưa kịp kể rõ đầu đuôi, ông bố với dáng người vạm vỡ, rắn rỏi òa khóc nức nở. Được bác sĩ phân tích chi tiết về những khả năng điều trị, sửa chữa loại dị tật bẩm sinh này, người bố mới yên tâm ra về bàn bạc với vợ chuyện giữ lại bào thai. Khi con chào đời, ẵm bé đưa vào phòng mổ, ông bố phập phồng lo lắng, đợi chờ từng giây phút con được trả lại hình hài trọn vẹn. Ngày xuất viện, anh rơm rớm nước mắt không thành lời. Người bố trẻ siết chặt tay cảm ơn các bác sĩ đã hồi sinh kỳ diệu cuộc đời con mình.
Cậu bé 'Đằng sau nụ cười' Tà Yên Nghiệp rạng rỡ bên cạnh bác sĩ Đẩu sau ca mổ vá môi lần 1. Ảnh: Lê Phương.
Cậu bé "Đằng sau nụ cười" Tà Yên Nghiệp rạng rỡ bên cạnh bác sĩ Đẩu sau ca mổ vá môi lần 1. Ảnh:Lê Phương.
Góp phần giúp nhiều đứa bé không bị tước đi quyền được chào đời từ lúc còn trong bụng mẹ, bác sĩ Đẩu theo đến cùng mang lại nụ cười lành lặn cho cuộc đời các em. Chính những cảm xúc thiêng liêng như thế đã truyền thêm cảm hứng giúp ông thêm vững vàng dao mổ suốt gần 30 năm qua. Tính đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, hàng nghìn đứa bé đã có được đôi môi xinh xắn, có được nụ cười và tiếng nói trọn vẹn nhờ vào tài năng và tấm lòng của vị bác sĩ yêu trẻ. 
“Một ca mổ tốt của y bác sĩ không chỉ mang nụ cười trọn vẹn cho đứa trẻ mà đôi khi góp phần hàn gắn cho hạnh phúc gia đình. Nhiều gia đình chỉ vì hạ sinh đứa bé khiếm khuyết mà đối diện với bờ vực ly tán", bác sĩ Đẩu vẫn chưa thôi nỗi trăn trở suốt bao năm dài. Ông từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng chia tay vì sợ tai tiếng miệng đời, nội ngoại mâu thuẫn vì không vượt qua được những sĩ diện, định kiến, nhân quả cuộc sống, kết quả là đứa bé bị chối bỏ.
Dành trọn đời mình cho nụ cười trẻ thơ, có những trường hợp nghiệt ngã thương tâm bác sĩ Đẩu không thể nào quên. Nhiều trẻ mắc phải loại dị tật đặc biệt, êkíp các y bác sĩ phải có quá trình phối hợp điều trị kéo dài nhiều năm để được chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục.
Cậu bé ở Tiền Giang mắc chứng loạn dạng sọ mặt, đến viện lúc 4 tháng tuổi với phần mũi nằm trên trán, nhân trung nằm rời như chiếc vòi voi kéo theo đôi mắt bị xếch. Ca mổ đầu tiên nhằm đưa “đầu vòi” xuống, giải quyết sứt môi. Lần thứ hai các bác sĩ đưa lỗ mũi xuống đúng vị trí, mắt vẫn còn bị xếch. Ca mổ tiếp theo lấy da ghép cho mắt không bị xếch, đẩy mi mắt dưới lên. Sau đó phần da, sụn ở tai được ghép vô cánh mũi cho kín. Đến lúc 6 tuổi, cậu bé đã có thể đến trường với một diện mạo hoàn toàn khác, kịp thời có được tuổi thơ bình thường với trường lớp, bạn bè.
Sự thay đổi ngoạn mục trước và sau điều trị của 'cậu bé vòi voi'.
Sự thay đổi ngoạn mục trước và sau điều trị của "cậu bé vòi voi" sau khi điều trị.
Giữ vị trí trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 từ lúc còn là chàng trai 28 tuổi, suốt 27 năm qua bác sĩ Đẩu vừa tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ vừa đảm trách vai trò đầu tàu. Từ đơn vị chỉ có một bác sĩ, không có phòng phẫu thuật những ngày đầu, khoa đã phát triển với cơ ngơi 10 bác sĩ, 13 điều dưỡng, 2 phòng mổ, 7 phòng điều trị nha khoa hiện đại và giường bệnh nội trú… với nhiều kỹ thuật cao. Nơi đây trở thành đơn vị có thể điều trị khép kín tất cả các bệnh lý về răng hàm mặt ở trẻ em. Khoa đã liên tục 17 năm liền xếp hạng nhất trong các đơn vị răng hàm mặt toàn thành phố, đóng góp chung vào sự phát triển của công tác khám chữa bệnh nhi khoa.
Quê ở Đà Nẵng, mồ côi cha từ năm 4 tuổi, vài tháng sau đó phải chia tay mẹ đặt bước chân non nớt đến mảnh đất Sài Gòn, bác sĩ Đẩu từng được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 cứu sống trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh vào năm 1972. Cùng anh chị em trong gia đình, ông vượt nhiều gian khổ trong cuộc sống khi tuổi đời còn rất bé, từ dán lồng đèn trung thu để kiếm tiền, phụ cưa xẻ gỗ, đẩy xe ba gác, đạp xe bỏ mối bánh kẹo, bỏ nước đá cho các quán cà phê, phụ hồ, đạp xích lô, dạy kèm tại tư gia...
Gian khổ mưu sinh vẫn quyết tâm duy trì học hành, cậu học trò miền Trung học rất giỏi ở tất cả cấp lớp cho đến ngày nhận được tấm bằng bác sĩ và hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ y học… Theo ông, có lẽ do xuất thân là người kém may mắn nên trong ông đã xuất hiện sự đồng cảm với người nghèo, người bệnh.
Một đường dao mổ chính xác hay sai lầm đều có thể là bước ngoặt thay đổi sinh mệnh, cuộc đời. Quen thuộc với hàng nghìn cuộc mổ lớn nhỏ nhưng mỗi lần đối diện với ca bệnh khó, bác sĩ Đẩu vẫn không khỏi trằn trọc, suy nghĩ mất ngủ để luôn có được những phương án mổ tốt nhất. Bao nhiêu năm, vị bác sĩ là cán bộ giảng dạy về Phẫu thuật Hàm mặt cho sinh viên và bác sĩ sau đại học luôn tự mày mò, tiếp cận kỹ thuật mới, tìm ra những cách điều trị tốt nhất với hơn 25 công trình nghiên cứu, sáng tạo khoa học giá trị.
Ở tuổi ngoài 50, cựu Phó Bí thư đoàn trường Đại học Y dược kiêm Chủ tịch Hội sinh viên giai đoạn 1984 -1988 vẫn giữ được tính cách sôi nổi trẻ trung của một thủ lĩnh đoàn. Với các bác sĩ răng hàm mặt, việc điều trị không chỉ đảm bảo chức năng sức khỏe mà còn đi kèm yếu tố thẩm mỹ. Bên cạnh chuyên môn, giọng nam ca kén đối thủ của bệnh viện Nhi Đồng 1 tự mình nuôi dưỡng những cảm xúc cuộc sống. Trong quá trình mổ khi phát hiện ra nhiều điều không hoàn hảo như sẹo không đẹp, nói tiếng không rõ, không tốt, ông lại cùng đồng nghiệp trăn trở tìm cách điều chỉnh. Khi trẻ mổ xong mà khẩu cái mềm ngắn, không có lưỡi gà, ông tự sáng tạo phương pháp mổ để kéo dài khẩu cái mềm, tạo hình lại lưỡi gà cho rõ nét, giúp tiếng nói em bé tròn trịa và rõ ràng hơn. 
IMG-6587-JPG_1424857171.jpg
Với những đóng góp của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu17 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 3 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp thành phố, bằng khen Bộ Y tế, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2009, Nam giới điểm 10 năm 2014, Thầy thuốc như mẹ hiền 2015. Ảnh:Lê Phương.
“Công việc của bác sĩ phẫu thuật không chỉ gói gọn trong ca mổ, chính những tâm tư tình cảm của người nhà bệnh nhi đã bồi đắp cảm xúc lâu dài cho những người làm nghề y”, bác sĩ Đẩu tâm niệm. Là người thường xuyên có mặt trong những chuyến mổ lưu động, nhiều lần đứng ra vận động kinh phí cho các chương trình từ thiện, ông cảm thấy may mắn vì được trải nghiệm nhiều cảm xúc khác nhau từ chính người bệnh và thân nhân. Hình ảnh nhiều gia đình có con cháu tật nguyền vẫn lạc quan vui vẻ, động viên tinh thần con cái giúp ông nhìn nhận cuộc sống tràn đầy yêu thương hơn.
Một trong những ca mổ sứt môi hở vòm ấn tượng là lần thực hiện ca phẫu thuật cho cụ bà gần 80 tuổi tại Pleiku cách đây gần 20 năm. Cụ đi mổ vì muốn được một lần trong đời có được khuôn mặt bình thường, biết được diện mạo thật sự ở môi của mình ra sao. "Nếu với trẻ con, việc phẫu thuật nhằm mang lại cho các em cả chặng dài tương lai thì ở người lớn tuổi mình lại có cảm giác góp phần hoàn thành tâm nguyện suốt cuộc đời của họ”, bác sĩ Đẩu không giấu niềm hạnh phúc. Chính ông là người đã vá môi trả lại nụ cười cho cậu bé Tà Yên Nghiệp, nhân vật trong bức ảnh "Đằng sau nụ cười" giành giải đặc biệt Cuộc thi Ảnh nghệ thuật báo VnExpress năm 2014.  Lê Phương (Theo Vnexpress.net)