Gút - căn bệnh "nhà giàu"
Những chiếc khớp sưng đi sưng lại, những cơn đau, có khi tới hàng chục lần trong năm, thường xảy ra lúc nửa đêm hoặc sau một bữa ăn phong phú thực phẩm, nhiều rượu và thịt. Đó là những hình ảnh cô đọng về căn bệnh không chết người nhưng cũng chẳng mấy dễ chịu này.
Gút (Goutte), hay còn gọi là bệnh thống phong, thực chất là một loại viêm khớp. Chỉ có điều, tất cả các loại thuốc chữa thấp khớp đều tỏ ra bất lực với bệnh này. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm đa khớp thông thường vì có các biểu hiện: đau nhức, sưng, nóng, đỏ, căng bóng ở các khớp.
Nhiều axit uric
Bệnh xảy ra do nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao, tạo thành các tinh thể lắng đọng tại khớp, gây ra những cơn đau đớn vô cùng khó chịu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng axit uric tăng:
1. Sử dụng quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều chất purin như:
- Các loại thịt đỏ (chó, bò, thú...).
- Phủ tạng động vật: gan, bầu dục...
- Một số cá (cá mòi, cá hồi, cá trích...).
- Tôm, cua, ốc ...
2. Sử dụng một số thuốc như:
- Nhóm cortison.
- Aspirin, các thuốc có chứa salicylate.
- Pyrazinamid, thuốc lợi tiểu.
Tiến triển
Bệnh gút tiến triển qua 2 giai đoạn.
1. Giai đoạn cấp tính:
- Người bệnh bỗng thấy ngón tay, ngón chân cái bị sưng tấy (cũng có khi ở cổ chân, khớp gối hoặc ở những ngón chân khác). Xuất hiện những cơn đau dữ dội, đau đến mức không thể chịu đựng được, nhất là về đêm. Có thể kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi và sợ lạnh.
- Cơn sưng đau kéo dài từ vài ngày đến hàng tuần, rồi tự nhiên giảm dần và trở lại gần như bình thường.
- Vài tuần hoặc vài tháng sau, những cơn đau khác lại xuất hiện, cũng dữ dội và bất ngờ như những cơn đau trước. Cứ như vậy, những cơn sưng đau trở đi trở lại, có khi tới hàng chục lần trong năm.
- Cơn gút thường xảy ra vào quá nửa đêm, hoặc sau một bữa ăn nhiều rượu và thịt.
Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh sẽ kéo dài vài năm rồi chuyển thành mạn tính.
2. Giai đoạn mạn tính
Người bệnh bị sưng đau nhiều khớp, nhất là ngón chân cái, mắt cá, khớp gối và khớp đốt ngón tay. Các u cục này to nhỏ không đều, đường kính từ 2 mm đến 5 cm, hơi mềm, không đau, có thể nhìn thấy cặn trắng ở bên dưới lớp da mỏng. Khi bị vỡ, từ các u này sẽ chảy ra một thứ bột trắng như phấn, đó là axit uric lắng đọng dưới dạng muối urat. Các muối urat không những lắng đọng ở dưới da, quanh khớp mà còn lắng đọng cả ở thận, gây sỏi thận, dẫn đến tăng huyết áp, suy tim, suy thận và có thể dẫn đến tử vong.
Xử trí
Bệnh thường "đe doạ" nam giới từ 30 tuổi trở lên, to béo, ăn uống thừa thãi (rất hiếm gặp ở phụ nữ và lứa tuổi trẻ). Theo các chuyên gia y tế, vì bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được, nên những người trên 30 tuổi, có mức sống cao, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ axit uric trong máu.
- Nếu lượng axit uric cao hơn mức bình thường (50-60 mg/l) thì phải thực hiện ngay chế độ ăn uống thích hợp và dùng thuốc giảm axit uric trong máu.
- Khi đã xuất hiện cơn đau, có thể dùng thuốc chống viêm, giảm đau, nhưng không nên quá ỉ lại vào thuốc, vì chúng chỉ có thể cắt cơn đau mà không điều trị dứt bệnh được.
- Tuyệt đối không được uống rượu và các chất kích thích.
- Uống nhiều nước (2-3 lít /ngày), tốt nhất là nước khoáng có độ kiềm cao, để tăng thải axit uric qua đường tiểu tiện.
- Tránh dùng các thực phẩm có chứa nhiều chất purin như thịt, cá, phủ tạng động vật (chỉ nên dùng dưới 100 g/ngày hoặc không quá 2 lần mỗi tuần).
(Theo Người Lao Động) http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2001/04/3B9AFD7C/ Thứ ba, 24/4/2001, 14:37 (GMT+7)
Bệnh gút và cách phòng tránh
Bệnh nhân gút không nên ăn nhiều thịt bò.
Sau một bữa tiệc thịnh soạn với đầy rượu thịt, nếu có cơn đau dữ dội nổi lên ở các khớp, nhiều khả năng là bạn đã bị bệnh gút (thống phong). Bệnh xuất hiện do hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, triệu chứng điển hình là nổi u cục hoặc viêm ở các khớp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, Đại học Y dược TP HCM, cho biết, các u cục có đường kính từ vài mm đến nhiều cm, không đau, thường xuất hiện ở khớp ngón chân, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, sụn vành tai... Đôi khi, chỗ da bọc khối u bị loét và chảy nước vàng. Còn tình trạng viêm thường xuất hiện ở các khớp bàn chân, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, diễn tiến chậm và gây đau nhẹ (trừ những cơn đau cấp sau bữa ăn có nhiều rượu thịt).
Bệnh gút tiến triển trong 10-20 năm. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân mất khả năng vận động, có nhiều biến chứng ở thận, suy kiệt dần, có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh và hạn chế sự phát triển của bệnh gút, cần kiêng rượu và các chất kích thích như cà phê, ớt. Hạn chế dùng bia và các thức ăn nhiều đạm như thịt đỏ, phủ tạng động vật, hải sản. Nên ăn nhiều hoa quả và rau; uống các loại nước khoáng thiên nhiên chứa bicarbonat. Ngoài ra, cần tránh làm việc quá sức và ăn uống quá mức, không để cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc táo bón.
Những người bị gút có thể làm giảm triệu chứng bệnh bằng cách hái lá sake già để nấu nước uống thay trà hằng ngày (hoặc nhúng lá tươi vào nước sôi rồi đem phơi khô, nấu lấy nước uống).
Thanh Niên http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2003/01/3B9C465C/
Thứ sáu, 4/10/2002, 15:13 (GMT+7)
8 lời khuyên với bệnh nhân gút
Thuốc Colchicine được dùng để giảm đau trong bệnh gút.
Gan là nơi chuyển hóa axit uric - tác nhân gây bệnh gút - nên người mắc bệnh này phải bồi dưỡng cho gan khỏe mạnh bằng cách duy trì thói quen ăn uống tốt. Vì vậy, chế độ ăn kiêng của họ gần giống với một người mắc bệnh gan.
Sau đây là 7 lời khuyên khác:
- Uống thuốc đều đặn để duy trì nồng độ axit uric. Việc tăng cao đột ngột hàm lượng chất này sẽ dẫn đến cơn gút cấp.
- Trong các loại thịt nên chọn gà, vịt và cá. Chúng cũng tốt đối với những người béo hay có bệnh tim mạch vì chứa ít cholesterol.
- Không nên có những hoạt động nặng hay kéo dài vì điều này gây áp lực lên mặt khớp, dẫn đến hư sụn khớp. Trong trường hợp đó, bệnh nhân bị đau do hư khớp chứ không phải do cơn gút cấp nữa.
- Ở bệnh nhân gút, thận là cơ quan thứ hai sau khớp bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần uống nhiều nước để làm sạch đường tiểu một cách tự nhiên (hòa loãng các chất cặn có trong đường tiểu).
- Bệnh gút tuy có thể chữa khỏi hoàn toàn trong 6-12 tháng nhưng rất dễ tái phát. Vì vậy, bệnh nhân phải luôn luôn duy trì chế độ ăn uống hợp lý.
- Không nên uống thuốc làm giảm axit uric trong máu (như Allopurinol) trong cơn đau cấp vì nó có thể làm cơn đau tăng lên.
- Có thể dùng Colchicine để giảm cơn đau cấp (uống liên tục cách giờ cho đến khi giảm cơn đau) nhưng không được quá 7 viên. Khi có tiêu chảy thì phải ngưng thuốc. Hiện nay, các loại thuốc kháng viêm không steroid thông thường khác đã được dùng thay cho Colchicine, hiệu quả giảm đau rất tốt.
BS Huỳnh Bá Lĩnh, Người Lao Động http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2002/10/3B9C0E9C/
Thứ tư, 11/9/2002, 09:39 (GMT+7)
Gút - "Bệnh thời sự" của những người lạm dụng ăn nhậu
Tổn thương ở tay của một bệnh nhân mắc bệnh gút.
Từ 30 tuổi trở lên, ở người đàn ông đã tiềm ẩn nguy cơ bệnh gút. Nếu trong sinh hoạt và dinh dưỡng, anh ta quá lạm dụng rượu bia và các thức ăn giàu chất đạm (như thịt chó, thịt dê, lòng lợn, tiết canh, hải sản...) thì triệu chứng bệnh sớm muộn cũng sẽ xuất hiện.
Tiến sĩ Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, cho biết, nếu như 1 năm trước đây, gút chỉ chiếm 1% trong các bệnh về xương khớp thì hiện nay, nó đã chiếm đến 4-5% tổng số bệnh nhân phải nằm viện vì các bệnh này. Đây là một trong những bệnh mang tính thời sự do việc lạm dụng bia rượu và ăn nhậu gây nên.
Bệnh gút thường chỉ xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên. Nguyên nhân gây bệnh là tình trạng thừa axit uric (trên 1 mg/1 cc máu) do cơ thể được cung cấp quá nhiều chất đạm. Lượng axit uric dư thừa sẽ kết lại thành các tinh thể đóng ở các khớp, gây đau.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh gút xuất hiện sau các bữa ăn thịnh soạn với biểu hiện sưng đau ở một trong 2 ngón chân cái. Tình trạng này mất đi rồi lại tái phát; bệnh nhân đau rất dữ dội, đến mức không đi lại được. Các triệu chứng này có thể bị bác sĩ chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng và cho dùng thuốc kháng sinh. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị hợp lý, bệnh sẽ lan dần sang các khớp khác, gây biến dạng, lở loét và có khi làm mất chức năng vận động khớp. Lâu ngày, chất axit uric sẽ làm suy thận và có thể dẫn đến tử vong.
Mức độ chuyển biến bệnh cũng tùy theo ý thức giữ gìn của bệnh nhân. Nếu người bệnh tiếp tục ăn nhậu, kết cục xấu nhất có thể xảy ra chỉ trong vòng vài ba năm.
Hiện đã có thuốc chữa bệnh gút nhưng chỉ có tác dụng ở giai đoạn sớm. Thường chỉ nửa ngày hoặc một ngày sau khi uống thuốc, các triệu chứng bệnh sẽ rút hết. Nhưng nếu bệnh nhân không kiêng cữ đúng mực, bệnh sẽ tái phát. Điều đó có nghĩa là, đến nay chưa có thuốc nào điều trị được tận gốc căn bệnh.
Bệnh nhân gút có thể dùng thuốc Colchicin để chống viêm và Allopurinol để làm giảm nồng độ axit uric trong máu (theo chỉ định của bác sĩ). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là dự phòng bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn thức ăn giàu đạm và uống nhiều rượu bia.
Tiến sĩ Ân cũng cho biết, hiện Đông y không thể chữa khỏi bệnh gút.
Tuổi Trẻ http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2002/09/3B9C018F/
ANTIGOUT AGENTS Các thuốc chống gút
Tổng quan: Hiện nay, đã có nhiều thuốc điều trị bệnh gút cấp hoặc mạn tính, bao gồm colchicin, các thuốc chống viêm phi steroid (NSAID), sulfinpyrazon, allopurinol, probebecid, corticotropin (ACTH) và các glucocorticoid. Điều trị bệnh gút bao gồm 3 khía cạnh khác nhau của bệnh: ức chế phản ứng viêm (colchicin, glucocorticoid, ACTH và NSAID), giảm sản sinh acid uric (allopurinol), và tǎng thanh thải acid uric (phenylbutazon, probenecid, sulfinpyrazon). Các thuốc lý tưởng để điều trị cơn gút cấp là colchicin và NSAID. Các glucocorticoid và ACTH được dành để điều trị cơn cấp ở những người kháng điều trị hoặc chống chỉ định dùng colchicin và các NSAID. Bệnh gút mạn tính thường được điều trị bằng các thuốc thải acid uric niệu, allopurinol hoặc liều thấp colchicin dùng hằng ngày.
Lịch sử: Colchicin đã được dùng từ lâu trong điều trị viêm khớp gút cấp. Nǎm 1763, chế phẩm Colchicum autummale, loại cây chứa alkaloid colchicin, lần đầu tiên được sử dụng trong điều trị cơn gút cấp. Mãi đến nǎm 1820, người ta mới chiết xuất được colchicin từ cây này. Ngày nay, colchicin vẫn được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gút cấp.
Trong suốt thời gian mà nguồn cung cấp penicillin bị hạn chế, có nhu cầu về các thuốc giảm bài tiết penicillin qua thận. Probenecid đã được triển khai nhờ kết quả của một nghiên cứu có tổ chức. Đây là 1 trong 2 thuốc (thuốc kia là carinamid) làm giảm thanh thải penicillin qua thận. Trong lâm sàng, probenecid có hoạt tính bài tiết acid uric niệu và là thuốc điều trị gút có hiệu quả.
Sulfinpyrazon được phát hiện khoảng nǎm 1960, trong khi tìm kiếm một thuốc bài tiết acid uric niệu và chống viêm ít độc nhất. Là chất chuyển hóa của phenylbutazon, sulfinpyrazon có hiệu quả rõ rệt trong việc bài tiết acid uric niệu và do đó là thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh gút mạn tính.
Lịch sử của các thuốc chống viêm phi steroid bắt đầu vào giữa thế kỷ XVIII khi người ta sử dụng vỏ cây liễu điều trị sốt. Nǎm 1829, người ta chiết xuất được hoạt chất của vỏ cây liễu. Salicylat natri được sử dụng lần đầu tiên nǎm 1875 và aspirin được đưa vào điều trị chứng viêm nǎm 1899. Các thuốc chống viêm phi steroid, không phải salicylat ban đầu bao gồm indomethacin, hiện nay vẫn được dùng, và phenylbutazon, một hợp chất ít được dùng vì nguy cơ thiếu máu bất sản và mất bạch cầu hạt. Vào giữa những nǎm 1970, ibuprofen và các dẫn xuất acid propionic không độc cùng họ khác được tung ra thị trường. Có không dưới 17 thuốc riêng biệt về mặt hóa học trong nhóm này. Nếu dùng đúng, các thuốc NSAID khá ít độc khi điều trị ngắn ngày, mặc dù các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (GI) khá nổi tiếng và là một trong những phản ứng thuốc có hại hay gặp nhất khi dùng kéo dài. Để điều trị cơn gút cấp, các NSAID hay dùng nhất là indomethacin, phenylbutazon và sulindac, tuy nhiên, nhiều thuốc NSAID khác cũng có hiệu quả trong cơn gút cấp. Các thuốc khác có hiệu quả bao gồm diclofenac, ketoprofen, fenoprofen, ibuprofen, piroxicam, tolmetin, naproxen, acid meclofenamic và flurbiprofen.
Vào cuối những nǎm 1970, mới đầu allopurinol được nghiên cứu như một thuốc chống ung thư. Nó tỏ ra thiếu hoạt tính chống chuyển hóa nhưng lại có hoạt tính chống gút rõ rệt. Nghiên cứu sâu hơn đã chứng minh allopurinol là một thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh gút.
Các corticosteroid và ACTH được xem là những thuốc có hiệu quả điều trị cơn gút cấp vì hoạt tính chống viêm của thuốc. Do có một số tác dụng phụ, các thuốc này được dành để điều trị cơn gút cấp kháng thuốc.
Cơ chế tác dụng: Các thuốc điều trị gút khác nhau tác dụng thông qua một số cơ chế khác nhau. Probenecid và sulfinpyrazon làm tǎng bài tiết acid uric niệu, trong khi, allopurinol cản trở sự hình thành acid uric. Probenecid và sulfinpyrazon không tác dụng trên sự hình thành acid uric. Colchicin, NSAID, corticotropin, và các corticosteroid ức chế chứng viêm phản ứng với lắng đọng tinh thể urat, do đó, giảm các triệu chứng (thí dụ: viêm khớp gút) do bệnh gút.
Hoạt động của các thuốc chống viêm dùng điều trị gút khác nhau rõ rệt. Colchicin tác động bằng cách gắn với các protein vi tiểu quản và cản trở chức nǎng thoi gián phân dẫn đến giảm di cư bạch cầu, hóa ứng, bám dính và thực bào. Indomethacin và phenylbutazon có hiệu quả như colchicin trong việc giảm các triệu chứng viêm của gút. Không như indomethacin, phenylbutazon cũng có hoạt tính bài tiết acid uric niệu. Sulfinpyrazon, không giống phenylbutazon, không có đặc tính chống viêm hoặc giảm đau. Thuốc có hoạt tính thải acid uric niệu mạnh gấp 3-6 lần probenecid. Sulfinpyrazon cũng kéo dài đời sống tiểu cầu, có lợi trong phòng ngừa nhồi máu cơ tim và huyết khối.
Các liều dược lý của corticosteroid và ACTH làm giảm viêm do ức chế giải phóng các acid hydrolase bạch cầu, ngǎn ngừa sự tích tụ đại thực bào tại vị trí viêm, cản trở sự bám dính của bạch cầu vào thành mao mạch, giảm tính thấm màng mao mạch (nhờ đó làm giảm phù nề), giảm các thành phần bổ sung, ức chế giải phóng histamin và kinin, và cản trở sự hình thành mô sẹo.
Các đặc điểm phân biệt: Các thuốc điều trị bệnh gút khác nhau về cơ chế tác dụng và các tác dụng phụ. Colchicin, loại thuốc lâu đời nhất trong nhóm thuốc này, được dùng để làm giảm các triệu chứng của cơn gút cấp và bệnh gút mạn tính nhưng có tác dụng giảm mức acid uric. Ngoài những lợi ích đối với bệnh gút, colchicin có hiệu quả trong một số chỉ định chưa chính thức như xơ gan, thoái hóa dạng tinh bột, bệnh Paget, viêm da dạng herpes, sốt Địa Trung Hải gia đình.
Sulfinpyrazon là thuốc được ưa chuộng dành cho những bệnh nhân bị bệnh gút thứ phát sau liệu pháp lợi tiểu điều trị tǎng huyết áp và những người có nguy cơ bị bệnh mạch vành.
Các phản ứng có hại: Tác dụng độc của colchicin liên quan tới hoạt tính chống gián phân trong các mô đang tǎng sinh như da, tóc và tủy xương. Điều trị ngắn ngày thuốc có thể gây buồn nôn/nôn và viêm dạ dày ruột xuất huyết. Điều trị lâu dài thuốc có thể gây mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản và rụng tóc.
Tác dụng phụ hay gặp nhất của allopurinol là phản ứng da. ở một số trường hợp, phát ban xuất hiện tới 2 nǎm sau khi bắt đầu điều trị. Ngoài ra, việc dùng allopurinol có thể gây hội chứng ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.
Tất cả các thuốc NSAID đều gây các tác dụng phụ tương tự nhau, nhưng có một vài ngoại lệ. Những tác dụng phụ hay gặp nhất là ở dạ dày ruột, bao gồm buồn nôn, chán ǎn, đau bụng và loét. Indomethacin và phenylbutazon có những tác dụng phụ khác hạn chế việc dùng thuốc kéo dài. 30-55% số bệnh nhân dùng indomethacin bị tác dụng phụ. Hay gặp nhất là các tác dụng phụ ở dạ dày ruột và hệ thần kinh trung ương (CNS). Những tác dụng phụ trên CNS bao gồm đau đầu vùng trán dữ dội, chóng mặt, mất thǎng bằng, kém minh mẫn, lú lẫn. Điều trị phenylbutazon kéo dài gây viêm gan, viêm thận, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt và giảm lượng tiểu cầu.
Tất cả các thuốc glucocorticoid, do kích thích phản hồi (feedback) tiêu cực, có thể ức chế trục vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (HPA). Ngoài ra, những tác dụng phụ khác của glucocorticoid rất nổi tiếng và xuất hiện ở hầu hết các bệnh nhân sau khi điều trị kéo dài với liều trên mức sinh lý. Những tác dụng phụ này bao gồm: loãng xương, viêm tụy, đái đường do steroid, đục thủy tinh thể, tǎng nhãn áp, rối loạn tâm thần, bệnh nấm candida miệng và các nhiễm trùng cơ hội khác, suy giảm miễn dịch, tǎng cân và teo da. Mặc dù các corticosteroid có hiệu quả rõ rệt trong điều trị một số bệnh, việc dùng thuốc kéo dài bị hạn chế do có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. http://www.cimsi.org.vn/Duoc%20pham/Phan%20loai%20thuoc/Nhom%20A/Antigout.htm
Bạn còn có thể tham khảo các bài sau:
Bệnh thống phong: Uống cà phê, giảm nguy cơ mắc bệnh: http://vietnamnet.vn/khoahoc/tdsk/2007/05/699344/
Bệnh Gút: phòng và trị bệnh http://www.mofa.gov.vn/quocte/tg37,03/gut%20bandoc37,03.html
Thực phẩm cho người bị bệnh gut: http://www.dantri.com.vn/suckhoe/2006/2/101661.vip
Bệnh gút-Chớ lo lắng: http://www1.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2005/11/11/128607.tno
Bệnh gút: http://www.moh.gov.vn/homebyt/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1461&ID=2026
Chữa gút bằng than: www.thanhoattinh.com/Than-hoat-tinh/Dung-than-hoat-tinh-dieu-tri-benh-Gut-gout.html
Ăn uống phòng chữa gút: http://vietbao.vn/Suc-khoe/An-uong-phong-ngua-benh-gut/40181794/251/
Xem thông tin trên trang: http://benhgout.net/
…