TS.BS Lê Đức Tố - ủy viên Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật VN, thường vụ kiêm trưởng ban y tế Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM. Theo một tính toán, để mổ cho 600 trẻ mắc bệnh “chim sệ cánh” - teo cơ delta - ở Hà Tĩnh cần đến 4,2 tỉ đồng (7 triệu đồng/ca).
TS.BS Lê Đức Tố đã đưa ra đường mổ đơn giản, có thể chuyển giao cho các bác sĩ địa phương thực hiện, và chi phí chỉ... 600.000 đồng/ca! TS cho biết: - Ngày 26-12-2005 chúng tôi ra TP Vinh để tiếp tục chương trình phẫu thuật cho trẻ khuyết tật vận động thì có gần chục ca sệ vai và đã mổ sáu ca. Số bệnh nhân (BN) này không chỉ ở huyện Nghi Xuân mà còn đến từ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh và các huyện Anh Sơn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Trong đợt mổ này chúng tôi cũng chuyển giao kỹ thuật mổ cho BS Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, hiện có thể đảm trách hoàn toàn việc phẫu thuật và có thể thực hiện 30 ca/ngày.
+ Để chữa “sệ cánh” chỉ cần một phẫu thuật đơn giản?
- Vâng. Phẫu thuật đối với bệnh sệ vai - hay “chim sệ cánh” - là một trong những phẫu thuật đơn giản nhất thuộc lĩnh vực chỉnh hình. Với trẻ trên 10 tuổi có thể tiền mê và gây tê tại chỗ. Trẻ dưới 10 tuổi thì chỉ cần gây mê. Rạch da dài 3-4cm, vào đáy rãnh tìm dải gân xơ căng cứng (đáy này là khe giữa hai bó cơ delta) thực hiện một động tác nhỏ là cắt và giải phóng dải này.
TS.BS Lê Đức Tố Sau khi cắt xong thì xương bả vai không còn bị kéo sệ xuống, từ từ trở về vị trí ban đầu, vai hết sệ. Sau một thời gian tập phục hồi chức năng (PHCN), vai sệ được cân đối trở lại. Trong phẫu thuật, lượng máu bị mất rất ít, chỉ thấm ướt hai hay ba miếng gạc nhỏ và đường khâu chỉ cần 4-5 nút chỉ, có thể coi là một trung phẫu - nếu không muốn nói đó là một tiểu phẫu. Nếu đảm bảo vô trùng tốt thì sau mổ chỉ cần uống kháng sinh 4-5 ngày, không cần tiêm để bớt đau cho BN.
Cần lưu ý là vấn đề tập vật lý trị liệu và PHCN sau mổ. Từ ngày thứ 10 sau mổ có thể cho tập PHCN với các động tác vận động khớp vai để lấy lại lực cơ hoàn chỉnh cho các cơ quanh vai, nhất là cơ delta đã bị dải gân xơ nói trên kìm hãm lâu ngày. Không chỉ tập tay bên mổ mà cả tay không mổ để đề phòng co rút về sau. Rất có thể tay chưa mổ cũng đang diễn ra quá trình biến dạng nên việc tập này không phải thừa. Trong quá trình tập cần hướng dẫn cách tập cho BN khi về nhà để có thể tranh thủ vừa đi học vừa tập PHCN.
+ Làm thế nào để sớm cứu chữa cho nhiều trẻ mắc bệnh “chim sệ cánh” đang rải rác ở một số địa phương?
- Tổng số trẻ mắc bệnh “chim sệ cánh” hiện tại ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh qua khám lọc kỹ đã lên đến gần 800 trẻ, còn ở Nghệ An số tự đến khám đã có gần 200, có thể sẽ còn nữa trong cộng đồng. Số BN đông như vậy và hầu hết là trẻ nghèo nên tìm cách mổ được ngay tại địa phương để đỡ tốn kém chi phí đi lại của bà con.
Vì vậy trong quá trình mổ trước đây ở Trung tâm Chỉnh hình và PHCN TP Vinh chúng tôi đã tập huấn cho BS ở đây và họ đã mổ được. Tôi cũng đã đề xuất với Bộ Y tế và tỉnh Hà Tĩnh tập huấn cho BS tuyến dưới (huyện và tỉnh) để có thể chẩn đoán và phẫu thuật, hướng dẫn tập PHCN cho BN - kể cả mời BS nơi khác đến. Như vậy sẽ giải quyết nhanh chóng, giảm chi phí đi lại cho BN.
Theo tính toán của Trung tâm Chỉnh hình và PHCN TP Vinh, toàn bộ chi phí cho phẫu thuật, kể cả xét nghiệm tiền phẫu, thuốc men là 600.000 đồng. Còn nếu BN ở lại tập PHCN 3-4 tuần lễ thì cộng thêm 400.000 đồng - tức tổng cộng 1 triệu đồng/ca. Nếu BN ở xa không có điều kiện ở lại tập PHCN thì được hướng dẫn kỹ để về nhà tập.
Để giải quyết cho 600 ca tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh như thông tin đã đưa trên báo chí, nếu với chi phí mổ 600.000 đồng/ ca, tổng cộng là 360 triệu đồng sẽ dễ xin tài trợ hơn là con số 4,2 tỉ đồng như tính toán ban đầu.
+ Xin cảm ơn bác sĩ.
KIM SƠN thực hiện (Theo_TuoiTre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét